TP.HCM tăng tốc các dự án giao thông trọng điểm

(PLO)- Chủ tịch UBND TP.HCM đã thông tin về tiến độ nhiều dự án giao thông trọng điểm như đường vành đai 2-4, tuyến metro 1-2, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, cầu Cần Giờ...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 8-12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ tám HĐND TP.HCM khóa X, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã trả lời chất vấn của 15 đại biểu (ĐB) xoay quanh các vấn đề liên quan đến thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tiến độ các dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng giao thông, hỗ trợ lao động mất việc, giảm tải bệnh viện (BV) công…

Đưa metro 1 về đích, khép kín vành đai 2

ĐB Trần Hải Yến, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, đã đề đạt ý kiến của cử tri về việc cải thiện hạ tầng giao thông, khắc phục tình trạng quá tải ở các BV, trường học và đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin tiến độ các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn.

Bầu bổ sung hai ủy viên UBND TP.HCM

Trong phiên làm việc chiều 8-12 của kỳ họp, các ĐB HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã bầu ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM và ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, vào chức danh ủy viên UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Nguyễn Toàn Thắng 45 tuổi, quê huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ông có trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh, cử nhân luật, cử nhân kinh tế, cao cấp chính trị.

Ông Lê Văn Thinh 50 tuổi, quê huyện Củ Chi, TP.HCM. Ông có trình độ kỹ sư xây dựng, thạc sĩ kỹ thuật xây dựng, cao cấp lý luận chính trị.

Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP đã ban hành danh mục 28 dự án giao thông trọng điểm phải tập trung từ đây đến năm 2025. Trong năm 2023, TP.HCM sẽ khánh thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Dự kiến ngày 21 và 22-12, TP sẽ chạy thử lần hai một đoạn metro khoảng 10 km và tới tháng 3-2023 sẽ chạy thử toàn tuyến.

Về tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), năm 2023, TP sẽ khởi công các gói di dời về hạ tầng kỹ thuật chuẩn bị mặt bằng để đến năm 2025 khởi công xây dựng. Hệ thống metro sẽ được rà soát hoàn thiện trên tinh thần huy động nguồn lực từ tài trợ, vay, ngân sách… để đẩy nhanh hơn tiến độ.

Năm tới, TP cũng phấn đấu hoàn thiện bốn tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, đường Lương Định Của, Tỉnh lộ 8, các nút giao Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ...

Về đường vành đai 2, ông Mãi cho biết TP.HCM đã giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, hiện đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ để báo cáo. Tuy nhiên, hai đoạn khép kín đường vành đai 2 này theo dự tính có vốn lớn, phải cân đối nguồn. Dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2023 để khởi công sớm. TP phấn đấu sẽ khép kín đường vành đai 2 cùng thời điểm với đường vành đai 3 vào cuối năm 2025..

TP.HCM cũng lên kế hoạch chuẩn bị hồ sơ cho dự án đường vành đai 4. Trong tháng 12, TP sẽ họp thống nhất với các tỉnh, thành để triển khai, dự kiến tháng 5-2023 sẽ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn của đại biểu HĐND TP vào chiều 8-12. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn của đại biểu HĐND TP vào chiều 8-12. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bên cạnh đó, TP sẽ khởi động triển khai cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, phối hợp với tỉnh Bình Dương để triển khai cao tốc TP.HCM - Chơn Thành. TP cũng đã giao chuẩn bị đầu tư một số công trình, nghiên cứu hồ sơ các cầu Thủ Thiêm 3, Thủ Thiêm 4, Cần Giờ...

“TP đã khởi động nghiên cứu mạng lưới giao thông đường thủy, nhất là các bến bãi trên địa bàn để phát huy tiềm năng và chia lửa, giảm tải cho giao thông đường bộ” - ông Mãi thông tin.

Về dự án đường vành đai 3, Chủ tịch UBND TP.HCM nói quan điểm của TP là các hộ dân, gia đình, tổ chức giao đất để thực hiện dự án cần được hỗ trợ, tái định cư bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Giá bồi thường cần phải tính ở mức cao nhất, tiệm cận với giá thị trường.

Trước ý kiến ĐB về tình trạng quá tải ở các BV hiện nay, người đứng đầu chính quyền TP cho biết đã chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị rà soát nhu cầu của các BV, đặc biệt là các BV chuyên đề, BV tại cửa ngõ.

Nhiều giải pháp tháo gỡ giải ngân vốn đầu tư công

Tại phiên chất vấn, ĐB Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, đặt vấn đề năm 2023 TP.HCM dự kiến cần ngân sách 71.000 tỉ đồng cho đầu tư công, trung ương đã giao 55.000 tỉ đồng. “TP có giải pháp thế nào để đạt tỉ lệ giải ngân trên 95% cho năm sau?” - ĐB Thắng chất vấn.

ĐB cũng đề nghị cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vì đây là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân.

Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin năm 2023 TP được trung ương phân bổ mức vốn đầu tư lớn. Do đó, TP cần những giải pháp quyết liệt ngay từ bây giờ. TP đã rà soát, cân đối và đến giờ này cân đối được 45.000 tỉ đồng, còn 10.000 tỉ đồng sẽ được bù vào bằng ba nguồn. Cụ thể, TP sẽ rà soát đấu giá các nhà đất, cân nhắc vay nợ chính quyền địa phương và tăng thu ngân sách từ các nguồn khác.

Qua đánh giá công tác giải ngân đầu tư công năm 2022, TP.HCM đã xác định được bốn nguyên nhân chính gây chậm tiến độ. Đáng chú ý là việc thực hiện các hồ sơ của dự án chuyển tiếp từ nhiệm kỳ trước sang, việc điều chỉnh mất rất nhiều thời gian.

UBND TP.HCM đã đề nghị các cơ quan liên quan các dự án khi trình trong năm 2023 phải đảm bảo đã hoàn thành hồ sơ. Trong quý I-2023, TP sẽ tập trung hoàn thiện phần việc này để xác định dự án, công trình nào sẽ triển khai, dự án nào có nguy cơ không hoàn thành sẽ được điều chỉnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin thêm năm 2022 vốn giải phóng mặt bằng cũng chỉ đạt 21%; trong khi phải hoàn thành ít nhất 95%. TP đang thúc tổ công tác giải phóng mặt bằng tập trung hoàn thiện khối lượng giải phóng mặt bằng năm 2022, chuẩn bị cho năm 2023. Cùng với đó, công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, công tác thẩm định giá cũng cần hoàn thiện hơn.

“Ngay từ đầu năm 2023, TP.HCM chủ động lên kế hoạch xác định tiến độ các dự án, nếu thấy khả năng không hoàn thành được hồ sơ phải điều chỉnh sao cho đảm bảo được tiến độ” - ông Mãi nói.

Cán bộ phải xốc lại tâm thế để giữ vững vị thế của TP.HCM

ĐB Trần Hoàng Danh, Bí thư Quận ủy quận 12, bày tỏ băn khoăn về những nhận định, vị thế, vai trò của TP.HCM có mai một đi nhiều so với trước đây.

“TP.HCM đã có nhiều chính sách nhưng đến nay vẫn chưa tạo được sự đột phá. Chủ tịch UBND TP.HCM tâm đắc với những chủ trương, quyết sách gì để tạo cảm hứng cho bà con cử tri, cán bộ TP.HCM cùng chung tay góp sức cho sự phát triển của TP trong thời gian tới?” - ĐB Danh chất vấn.

Người đứng đầu chính quyền TP chia sẻ lại: “ĐB hỏi tôi tâm đắc điều gì. Tôi nghĩ là làm sao khi có chủ trương xong rồi phải chuyển hóa thành đề án, kế hoạch để thực sự khơi thông được các nguồn lực”.

Ông Mãi nói thêm khi làm việc với TP.HCM, Bộ Chính trị cũng băn khoăn rằng khi trao cho TP.HCM cơ chế, liệu TP.HCM có “tải” nổi hay không.

“Từng sở, ngành, cán bộ đảng viên phải chuyển tâm thế, cùng xốc lại với nhau. Cũng có ý kiến nói rằng TP.HCM là nơi có truyền thống năng động, sáng tạo nhưng gần đây hình như co lại, giảm sút đi. Hai điều tôi tâm huyết là nguồn lực và cán bộ, phải gỡ được” - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm