TP.HCM tìm cách gỡ khó để phát triển nhà ở xã hội

(PLO)- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhìn nhận thực hiện mục tiêu nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 đến nay chỉ mới đạt khoảng 2,39%, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 8-12, kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khóa X bước vào ngày làm việc thứ ba. Theo đó, HĐND TP đã thực hiện giám sát chuyên đề đối với việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2025.

TP.HCM tìm cách gỡ khó để phát triển nhà ở xã hội
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân. Ảnh: NGUYỆT NHI

Còn bất cập trong phát triển nhà ở xã hội

Báo cáo kết quả thực hiện, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân cho biết giai đoạn 2021-2025, TP đặt mục tiêu phát triển khoảng 35.000 căn hộ, tương ứng khoảng 2,5 triệu m2.

Trong giai đoạn này, TP có 91 dự án NƠXH với diện tích hơn 210 ha, quy mô dự kiến khoảng 98.685 căn hộ. 49/91 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng trong số này có đến 46 dự án được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020.

Đến hết quý II-2023, TP.HCM đã hoàn thành, đưa vào sử dụng hai dự án với quy mô 623 căn hộ. Trong đó có bảy dự án NƠXH và nhà lưu trú công nhân đang thi công với quy mô gần 5.000 căn. Ngoài ra, TP.HCM có 82 dự án đang được thống kê để theo dõi trong kế hoạch phát triển NƠXH. Giai đoạn còn lại, TP phấn đấu phát triển 2,4 triệu m2 sàn.

TP.HCM sẽ vận dụng Nghị quyết 98 để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông Quân, quá trình triển khai các dự án NƠXH còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của một số dự án rất khó khăn, tiến độ thực hiện chậm, thậm chí không thực hiện được. Hiện TP chưa bố trí quỹ đất phát triển NƠXH ở một số đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất, loại hình NƠXH chưa đa dạng với nhu cầu của người dân…

Ông Quân cũng nhận định nguồn vốn để hỗ trợ nhà đầu tư, người được hưởng chính sách NƠXH vay vốn chưa ổn định. Cạnh đó, các bước thủ tục đầu tư dự án NƠXH còn phức tạp nên không thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Ngoài ra, việc quy định các dự án NƠXH phải dành tối thiểu 20% số căn hộ của dự án để cho thuê, sau năm năm mới được bán làm chậm thu hồi vốn và kém hấp dẫn với nhà đầu tư…

nguyen-thi-hong-nhung-du-an-noxh-5-62-8330.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Nhung nêu thực trạng nhiều khu nhà ở cao tầng ở TP.HCM chưa được khai thác, sử dụng. Ảnh: NGUYỆT NHI

TP điều chỉnh mục tiêu còn 1,15 triệu m2 sàn đến 2025

Tại phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Hồng Nhung nhìn nhận xây dựng NƠXH của TP đạt tỉ lệ thấp nhưng hiện có nhiều khu nhà ở cao tầng chưa được khai thác, sử dụng.

Thống nhất chủ đề năm 2024

Tại kỳ họp, HĐND TP đã thống nhất thông qua dự thảo nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024, đồng thời thông qua 18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội và thống nhất chủ đề năm 2024 là “quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”.

Nghị quyết có một số chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) là 7,5%- 8%; 100% hạ tầng công nghệ thông tin được liên thông kết nối từ TP đến huyện và xã…

Dẫn chứng, ĐB Nhung nhắc đến khu 12.000 căn tái định cư ở phường Bình Khánh, TP Thủ Đức đã bỏ hoang nhiều năm và đặt vấn đề làm cách nào chuyển đổi thành NƠXH sau khi thay đổi các tiêu chí, để đưa khu nhà này vào sử dụng, tránh lãng phí.

ĐB Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho rằng phát triển NƠXH nếu làm tốt sẽ giải quyết vấn đề an cư lạc nghiệp cho người dân. Ông Vũ đề nghị TP cần nhanh chóng khắc phục những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án NƠXH, có cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển NƠXH.

Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Hoàng Quân đề nghị ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án NƠXH; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích nhà ở thương mại có giá phù hợp, nhà ở cho thuê nhằm tạo thêm nguồn cung về nhà ở.

Giám đốc Sở Xây dựng TP cũng đề xuất Trung ương cho phép UBND TP quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ NƠXH đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất 2-10 ha. Kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cá nhân, hộ gia đình được vay theo Nghị quyết 11/2022 của Chính phủ đến hết năm 2025.

du-an-noxh-2-2663-4183.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trao đổi với các ĐB, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhìn nhận thực hiện mục tiêu NƠXH giai đoạn 2021-2025, đến nay TP chỉ mới đạt khoảng 2,39%, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng.

“Mục tiêu hiện nay của TP là phát triển 2,5 triệu m2 sàn, tương đương 35.000 căn NƠXH. Con số này cao hơn yêu cầu đặt ra trong đề án phát triển 1 triệu căn NƠXH giai đoạn đến năm 2030 của Thủ tướng và là mục tiêu rất thách thức” - ông Cường nhìn nhận.

Về phương hướng, ông Cường cho biết TP.HCM đang rà soát, điều chỉnh mục tiêu 1,15 triệu m2 sàn đến năm 2025. Sau khi rà soát các vướng mắc và vận dụng Nghị quyết 98 gắn với công tác quy hoạch, quỹ đất và từ Luật Nhà ở năm 2023, UBND TP.HCM tiếp tục nỗ lực với các nhóm giải pháp tập trung, quyết tâm giữ mục tiêu…

HĐND TP.HCM sau đó đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc triển khai thực hiện dự án NƠXH trên địa bàn TP.•

Khó đạt các chỉ tiêu đề ra

Mặc dù các dự án NƠXH trong giai đoạn 2016-2020 phát triển nhanh nhưng kết thúc giai đoạn này, TP.HCM không đạt chỉ tiêu phát triển 1,78 triệu m2 sàn xây dựng NƠXH (chỉ đạt tỉ lệ 66,8%).

Giai đoạn 2021-2025, khả năng hoàn thành chỉ tiêu phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương 35.000 căn hộ) là rất thấp, khó khả thi.

NGUYỄN THỊ THANH VÂN, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM

**********

“Kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết”

Phát biểu bế mạc kỳ họp vào chiều 8-12, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết tại kỳ họp này, HĐND TP đã thông qua 50 nghị quyết. Trong đó có 9 nghị quyết cụ thể hóa Nghị quyết 98, 38 nghị quyết về kinh tế - xã hội, 1 nghị quyết chất vấn, 1 nghị quyết về nhà ở xã hội, 1 nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm.

“Đây là những nghị quyết hết sức quan trọng, là cơ sở cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân TP năm 2023 và nhiều năm tới” - bà Lệ nhấn mạnh.

Đánh giá thêm về kỳ họp, bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng hoạt động chất vấn chủ tịch UBND TP, các sở, ngành và chủ tịch quận 12 đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yêu cầu làm rõ trách nhiệm cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục.

Chu-tich-hdnd-tp.hcm-nguyen-thi-le.jpg
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 13 vào chiều 8-12. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Về kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 31 cán bộ do HĐND TP bầu, bà Lệ nhìn nhận đây là dịp để từng cán bộ tự soi mình, đối chiếu lại những việc mình đã hứa trước HĐND TP khi nhận nhiệm vụ, đồng thời xây dựng chương trình hành động từ nay đến cuối nhiệm kỳ để hoàn thành chức trách được giao.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết trong năm 2024, HĐND TP sẽ tập trung giám sát chuyên đề về cải cách tổ chức bộ máy hành chính và cải cách chế độ công vụ trên địa bàn TP giai đoạn 2022-2025, thực hiện Nghị quyết 98, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP… Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị UBND TP phân tích sâu, đánh giá toàn diện, dự báo các tình huống kinh tế - xã hội năm 2024 để có sự chủ động ứng phó...

Bà Nguyễn Thị Lệ cũng đặc biệt đề nghị UBND TP thực hiện hiệu quả Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để TP chuyển mình “vượt qua cơn gió ngược”.

HĐND TP đề nghị UBND TP tạo điều kiện phát huy vai trò giám sát của đại biểu HĐND TP về giải quyết những kiến nghị, bức xúc của người dân. Đặc biệt liên quan đến cơ chế, chính sách phù hợp phát triển TP, các dự án công trình trọng điểm, dự án đầu tư công phát huy hiệu quả khi hoàn thành; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, không đầu tư dàn trải, lãng phí.

NHÓM PV

**********

HĐND TP.HCM thông qua nhiều chính sách dân sinh

Tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực như kinh tế - văn hóa - xã hội... Cụ thể, HĐND TP đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2024 từ nguồn vốn ngân sách nhà nước của TP là hơn 75.577 tỉ đồng.

Trong đó, kế hoạch đầu tư công năm 2024 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP là hơn 74.282 tỉ đồng (bao gồm nguồn vốn ODA vay lại từ vốn vay nước ngoài của Chính phủ là hơn 4.749 tỉ đồng).

thu-thiem-chu-tich-hdnd-tp.hcm-2.jpg
Các đại biểu HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua các quyết sách quan trọng cho năm 2024. Ảnh: NGUYỆT NHI

Dự thảo Nghị quyết phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương năm 2024 cũng được thông qua. Trong đó, HĐND TP.HCM chấp thuận chủ trương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2024 với khối lượng phát hành tối đa trái phiếu trong năm 2024 là hơn 5.000 tỉ đồng.

Đáng chú ý, kỳ họp này đã thông qua nhiều chủ trương đầu tư, điều chỉnh một số dự án giao thông quan trọng với tổng vốn hơn 10.000 tỉ đồng. Gồm dự án đường vành đai 2 (đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng); dự án cầu đường Nguyễn Khoái; dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến vòng xoay Mỹ Thủy), TP Thủ Đức...

Cạnh đó, thống nhất chủ trương đầu tư hơn 997 tỉ đồng để xây 900 căn hộ tái định cư phục vụ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án rạch Xuyên Tâm.

HĐND TP cũng thông qua nghị quyết về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, mức thu nhập và chính sách đãi ngộ đối với công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị TP.HCM.

Theo đó, TP.HCM sẽ hỗ trợ về thu nhập gấp 2-4 lần mức lương tối thiểu vùng đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao. Như vậy, người có trình độ tiến sĩ và tương đương có thể được hỗ trợ hơn 18,7 triệu đồng/tháng.

Kỳ họp còn thông qua nghị quyết về mức thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu thu hút. Mức hỗ trợ thu nhập ban đầu với các chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt tối đa là 100 triệu đồng, chỉ áp dụng một lần. Sau đó, mức thu nhập là 30-100 triệu đồng/người/tháng.

Thông qua nghị quyết về ban hành danh mục dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, thể thao và văn hóa với 41 dự án. Trong đó, lĩnh vực y tế có 6 dự án, giáo dục và đào tạo có 12 dự án, thể thao và văn hóa có 23 dự án.

HĐND TP cũng quyết định bộ máy của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM với 1 giám đốc và không quá 3 phó giám đốc. Đồng thời, thống nhất giữ nguyên hệ số K trong năm 2024 như năm 2023 là từ 2,5 đến 3,5 lần… NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm