Trả đũa Nga không hề đơn giản!

Theo AP, sự kiện Hội đồng liên bang Nga (Thượng viện) chấp thuận yêu cầu của Tổng thống Putin về triển khai quân đội ở Ukraine đã chứng minh Nga không e ngại những lời đe dọa của Mỹ.

Có nhiều lý do để Nga tin rằng Mỹ và châu Âu không dám sử dụng các biện pháp mạnh để trả đũa Nga.

Thứ nhất, Ukraine chưa phải là thành viên đầy đủ của khối NATO, do vậy Mỹ và châu Âu không có nghĩa vụ hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine. Kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động thông qua LHQ càng không thể vì Nga là nước thành viên thường trực và có quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an LHQ.

Chuyên gia Kier Giles ở tổ chức nghiên cứu quốc tế Chatham House (Anh) ghi nhận: “Có rất nhiều ngôn từ mạnh mẽ từ Mỹ và các nước khác cũng như NATO, tuy nhiên tất cả chỉ là những lời đe dọa trống rỗng”.

Thứ hai, nỗ lực của Mỹ nhằm trừng phạt Nga càng phức tạp hơn khi Mỹ đang cần Nga hợp tác để chấm dứt nội chiến ở Syria, đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Iran hay vận chuyển binh sĩ Mỹ và khí tài ra khỏi Afghanistan quá cảnh qua Nga.

Giám đốc chương trình Nga tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Mỹ) Andrew Kuchins thừa nhận: “Chúng ta đối mặt với sự lựa chọn khó khăn vì trừng phạt Nga cũng có nghĩa là tự trừng phạt chúng ta”.

Thứ ba, Liên minh châu Âu (EU) đang chật vật giải quyết các vấn đề nội bộ nên có vẻ như không muốn ôm đồm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine và càng không muốn tạo ra rủi ro về kinh tế vì đối đầu với Nga, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của EU. Hơn nữa, Nga đang giữ con át chủ bài. EU đang phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.

Thứ tư, các biện pháp trừng phạt sẽ ít tác động đến Nga. Năm 2008, Nga đưa quân vào Gruzia nhằm bảo vệ Nam Ossetia. Tổng thống George Bush đã ngưng đàm phán ký kết thỏa thuận hạt nhân dân sự với Nga trong khi NATO cắt đứt liên lạc quân sự với Nga. Một năm sau, Mỹ phải tìm cách cải thiện quan hệ. NATO đã nối lại liên lạc quân sự năm 2009 và Mỹ tái khởi động đàm phán về thỏa thuận hạt nhân dân sự với Nga năm 2010.

Báo New York Times(Mỹ) dẫn lời nguyên Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ James F. Jeffrey nhận định: “Chúng ta không thể làm gì để cứu Ukraine vào thời điểm này. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là bảo vệ đồng minh (EU).

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới