Ngày 27-11, tác giả Trần Đặng Đăng Khoa đã có buổi giao lưu ra mắt tác phẩm "1.111 Nhật ký sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng" với đông đảo khán giả đến từ khắp nơi An Giang, Bình Phước, Bình Dương… tại Đường sách TP.HCM.
Quyển sách là cuốn nhật ký lưu lại hành trình sáu vạn dặm của Trần Đặng Đăng Khoa. Ảnh: NXB Trẻ |
Tại buổi giao lưu, Trần Đặng Đăng Khoa đã chia sẻ về những trải nghiệm, kỷ niệm, những điều còn điều tiếc nuối của mình trên chuyến hành trình “không hẹn ngày về”.
Là một người đam mê xê dịch từ nhỏ qua các cuốn sách được đọc và những bộ phim phiêu lưu đã xem, Trần Đặng Đăng Khoa luôn ấp ủ một chuyến phiêu lưu cho riêng mình.
“Đến năm 2009, Khoa mua cho mình được chiếc Memo và bắt đầu những chuyến đi gần TP.HCM - Tiền Giang, rồi Vũng Tàu, Đà Lạt… Sau đó là những chuyến xuyên Việt TP.HCM-Hà Nội và ngược lại”- Trần Đặng Đăng Khoa cho hay.
Trần Đặng Đăng Khoa chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh: VĂN HÀ |
Và trong những chuyến xuyên Việt đó, một lần ngồi ăn cháo lòng, anh và bạn rủ nhau sang Lào, Thái. Đến 2015, anh cùng bạn sang Singapore rồi trở về Việt Nam. Sau đó anh ấp ủ một chuyến đi xa hơn và và quyết định nghỉ việc để chuẩn bị cho chuyến đi vòng quanh thế giới. Tháng 1-2017, anh bắt đầu chuyến đi vòng quanh giới.
Với Trần Đặng Đăng Khoa, chuyến đi “không hẹn ngày về” khiến anh thay đổi nhiều nhưng giúp anh nhận ra nhiều thứ.
"Chuyến đi giúp Khoa thấy được những cái mới, kết thêm những người bạn mới nhưng Khoa nhận thấy cùng với đó là những nỗi buồn. Bởi bao nhiêu lần nói lời xin chào là bấy nhiêu lần nói làm tạm biệt.
Nói tạm biệt đến một lúc tôi cũng "đơ" luôn, nghĩ tại sao chúng ta phải gặp nhau rồi tạm biệt. Có những người mới gặp đó rồi tiễn biệt nhau vì bệnh tật… Cuộc sống cái chết cảm thấy vô thường lắm.
Nhiều khi gặp khó khăn muốn quay về nhưng nghĩ lại thấy một chân lý rằng trước sau gì chúng ta cũng sẽ chết. Bây giờ, chỉ có giây phút này thì chúng ta hãy sống hết mình, cố gắng vượt qua tất thảy những khó khăn để thực hiện giấc mơ của mình" - tác giả chia sẻ.
Bên cạnh đó, Trần Đặng Đăng Khoa cũng chia sẻ vài kỷ niệm trên chuyến đi vòng quanh thế giới của mình như được cụ ông tên Pinto (82 tuổi) giúp đỡ khi xe bị hỏng tại Mỹ hay trở thành vị khách cuối cùng của một khách sạn bị phá sản sau 20 năm kinh doanh tại Châu Phi… Cùng với đó là nỗi tiếc nuối khi chưa ghé được nhiều nơi mình muốn đến…
Trần Đặng Đăng Khoa giới thiệu về chiếc xe cà tàng. Ảnh: VĂN HÀ |
Nói về lý do chọn ra nước ngoài bằng chiếc "xe cà tàng", Trần Đặng Đăng Khoa cho biết đó là chiếc xe đầu tiên mà anh có, cũng là niềm tự hào dân tộc của mình: "Vì nó mang biển số Việt Nam, là niềm tự hào của tôi. Chúng ta rất dễ để đến nước nào thuê xe nước đó chạy rồi trả, nhưng tôi vẫn kiên quyết đi chiếc xe này vì đó là màu cờ sắc áo.
Tôi ghi một chữ Việt Nam để mọi người thấy và biết tôi là người Việt Nam đang chạy vòng vòng đi chơi ở đây, cũng có thể ra nước ngoài tự tin và làm chuyện này chuyện kia".
Đó cũng là lý do lá cờ Việt Nam lấy từ quần đảo Trường Sa luôn được anh mang theo suốt chặng hành trình như một tình yêu mà anh rất đỗi tự hào.
Đăng Khoa giới thiệu tà áo dài gắn liền với anh. Ảnh: VĂN HÀ |
Bên cạnh những chia sẻ về chuyến đi, Trần Đặng Đăng Khoa giới thiệu về những món đồ vật, bộ quần áo… gắn liền với anh trên hành trình vạn dặm cùng những bức ảnh mà chụp khi đi qua các quốc gia và vùng lãnh thổ…
Đông đảo khán giả đến với buổi ra mắt sách. Ảnh: VĂN HÀ |
Chuyến đi dài 1.111 ngày khắp 7 châu lục, 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, băng qua đường xích đạo 8 lần của Trần Đặng Đăng Khoa đã kết thúc sau 3 năm và được chia sẻ trong cuốn sách gần 800 trang.
Có thể nói, cuốn sách không chỉ lưu lại mà còn để truyền cảm hứng cho những người dám đi, dám làm, thoả đam mê như chính anh.
"1.111 Nhật ký Sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng" tái hiện chuyến đi của Trần Đặng Đăng Khoa, kèm với rất nhiều tâm sự, tip du lịch, hình ảnh ấn tượng. Đặc biệt sách gồm 2 bìa in màu tuyệt đẹp, là hình do tự tay tác giả chụp.
Toàn bộ tiền tác quyền mà tác giả Trần Đặng Đăng Khoa thu được từ cuốn sách này sẽ dành tặng cho các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ trẻ em. Đây là dự định đầu tiên anh nghĩ đến khi bắt đầu hành trình sáu vạn dặm.