Trẻ em bị “đầu độc” trong vườn thuốc lá

Chúng đang vắt kiệt sức lao động của mình để kiếm sống, để làm ra nguyên liệu cho những điếu thuốc mà cả thế giới đang hút.

Tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch (HRW) có trụ sở tại New York, Mỹ đã đệ trình một báo cáo về điều kiện lao động cơ cực của những đối tượng trẻ em này sau khi phỏng vấn 141 em, đa phần là công dân Mỹ gốc Mỹ La tinh tại bốn bang là Virginia, Tennessee, Bắc Carolina và Kentucky. Bản báo cáo đưa ra kết luận như một lời kêu gọi: “Mọi công dân dưới 18 tuổi đều không thể được nhận vào làm việc, dưới bất cứ hình thức nào, trong một môi trường thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc lá”. HRW đã cáo buộc một nghịch lý khó hiểu tại Mỹ khi một mặt trẻ em dưới 18 tuổi không có quyền mua thuốc lá nhưng mặt khác, chính các trẻ em này lại có quyền vào làm việc trong những khu đồn điền trồng thuốc lá ngay khi các em chỉ mới 12 tuổi.

Hít hơi thuốc lá tương đương hút 50 điếu/ngày

Chỉ vì miếng cơm manh áo mà thôi, bởi các đối tượng trẻ em này xuất thân từ tầng lớp cùng cực, khi mà thu nhập bình quân hằng năm của tầng lớp người Mỹ gốc Mỹ La tinh được tính trong năm 2012 là 39.005 USD, trong khi con số đó đối với toàn bộ dân Mỹ là 51.017 USD. Tỉ lệ nghèo khó của thành phần lao động nông nghiệp tại Mỹ cao hơn gấp đôi so với các lĩnh vực lao động khác, điều này giải thích được vì sao nhiều gia đình người Mỹ gốc Mỹ La tinh thường phải cho con cái họ làm việc kiếm sống từ khi chúng còn rất nhỏ.

Nhân công làm việc trên cánh đồng thuốc lá.

Điều mà tổ chức này đặc biệt quan ngại chính là bối cảnh công việc như thế khiến các em nhỏ phải hít thở “hơi” thuốc lá thường xuyên, tương đương với việc chúng ta hút 50 điếu thuốc mỗi ngày! Khi đó, chất nicotine sẽ thẩm thấu qua các lỗ chân lông trên da, đặc biệt là đối với các lá cây thuốc lá còn tươi, theo nguyên lý tương tự như cơ chế thẩm thấu của miếng dán cai nghiện thuốc vậy. Thêm vào đó, các em phải thường xuyên tiếp xúc với thuốc trừ sâu nên thường bị buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, biếng ăn và mệt mỏi kéo dài. Những lao động trưởng thành vẫn bị các triệu chứng đó, riêng đối với trẻ em, khi cơ thể đang phát triển, sức vóc đang lớn thì hậu quả sẽ trầm trọng hơn, bởi về sau các em rất dễ bị ung thư, rối loạn trí não và thậm chí vô sinh.

Trên một khía cạnh khác, lĩnh vực nông nghiệp là trường hợp đặc biệt được thể hiện trong Bộ luật Lao động của Mỹ. Theo đó, đây là lĩnh vực sản xuất duy nhất của nền kinh tế Mỹ được thu nhận nhân công dưới 14 tuổi.

Lợi nhuận cao, chính phủ làm ngơ

Tổ chức HRW khuyến cáo rằng quy định này phải được thay đổi và yêu cầu nhận được sự hỗ trợ từ những tập đoàn sản xuất thuốc lá lớn tại Mỹ. Bản báo cáo yêu cầu 10 hãng thuốc lá lớn của Mỹ, trong đó có Philip Morris và Reynolds American (với nhãn hiệu Camel và Winston), không thu mua nguyên liệu từ những nhà sản xuất nào không tuân thủ các điều luật là “bảo đảm môi trường lao động an toàn, không gây hại đến sức khỏe, phải đảm bảo sinh hoạt bình thường và điều kiện học hành của những đối tượng lao động thanh thiếu niên”. Đáng tiếc thay, trên thực tế, các tập đoàn thuốc lá lớn luôn biết cách ve vãn một cách hiệu quả chính quyền Mỹ, cho nên dù không là những cơ sở mạnh nhất tại Mỹ nhưng họ vẫn đủ sức ngăn cản được chính phủ Mỹ ký vào bản thỏa thuận khung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc đấu tranh phòng, chống thuốc lá.

Do đó trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ thuốc lá tại Mỹ, khía cạnh nhân đạo xã hội đang phải đối mặt thách thức với những lợi ích kinh tế kếch sù mà ngành này mang lại, khi mà theo thống kê, trong năm 2012 đã có 1.800 trẻ em bị thương tích do những điều kiện làm việc nặng nhọc (khuân vác nặng và sử dụng các công cụ lao động quá lớn so với sức vóc của các em) và độc hại trong các cánh đồng thuốc lá và trong năm 2011 đã có 293 tỉ điếu thuốc được bán ra thị trường.

Cuối cùng, nhận xét chung đánh giá rằng cũng chỉ vì lợi nhuận cao, rất khó mà thuyết phục được chính phủ chịu nghe theo các yêu cầu chính đáng nêu trên từ tổ chức HRW là cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 18 tuổi làm việc trong các cánh đồng trồng thuốc lá tại Mỹ.

TƯỜNG NGUYỄN (Theo Le Point)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm