Ngày 14-1, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiến hành tuyên án vụ ông Trần Phương Bình và các đồng phạm gây thiệt hại 8.800 tỉ cho Ngân hàng TMCP Đông Á (đại án DAB giai đoạn 2).
HĐXX nhận định cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là có căn cứ.
Trong thời gian từ năm 2007 đến 2015, ông Bình với vai trò là Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch HĐTD của DAB đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại lớn. Trong đó, ông Bình duyệt cho bốn nhóm khách hàng gồm: Hiệp Phú Gia - TTC (do Nguyễn Thiện Nhân điều hành và chỉ đạo), Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng vay không đúng quy định gây thiệt hại hơn 8.751 tỉ đồng.
Ngoài ra ông Bình còn có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 75 tỉ đồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB lỗ lũy kế 31.076 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỉ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỉ đồng.
Bị cáo Trần Phương Bình. Ảnh: H.YẾN
Từ đó, HĐXX đã bác kháng cáo xin giảm án của ông Bình. Theo tòa, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ khống để lấy tiền trả lại các khoản cũ, mức án xử tù chung thân là đúng với hành vi. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo không đưa ra được tình tiết mới nên tòa bác.
Bị cáo Phùng Ngọc Khánh với vai trò là người đứng đầu M&C, hiểu rõ công ty không có khả năng trả nợ cho DAB nên đã bàn bạc với ông Bình thành lập các công ty con để vay tiền DAB gây thiệt hại hơn 3.900 tỉ đồng. Cấp sơ thẩm xử có vai trò đồng phạm với ông Bình trong việc vi phạm quy định về cho vay là đúng người đúng tội, không oan. Đồng thời cũng không có tình tiết gì mới để xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Với bị cáo Nguyễn Đức Tài là người thực hiện các yêu cầu của ông Bình cho vay không đúng quy định là đồng phạm tích cực, mức án bảy năm tù là hơi nhẹ.
Các bị cáo tại phiên phúc thẩm. Ảnh: H.YẾN
Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên phó tổng DAB cùng ông Bình ký nhiều hợp đồng vay tiền, cho vay sai quy định gây thất thoát, mức án bốn năm tù là chưa nghiêm, chưa tương xứng với hành vi. Nhưng do không có kháng cáo, kháng nghị nhưng cần phải xem xét kiến nghị tăng hình phạt.
Bị cáo Nguyễn Tăng Ngọc Linh không đưa ra tình tiết đặc biệt, VKS đề nghị đề nghị phạt ba năm án treo là không phù hợp nên HĐXX không chấp nhận Tương tự bị cáo Nguyễn Quang Thọ bị xét xử là đúng người, không oan, VKS đề nghị giảm là không có căn cứ. Các bị cáo khác cấp sơ thẩm đã xem xét giảm nhẹ.
Về phần hình sự, HĐXX bác toàn bộ kháng cáo giữ nguyên mức hình phạt với các bị cáo. Cụ thể, bị cáo Bình tù chung thân về hai tội. Đồng phạm tội vi phạm quy định về cho vay, bị cáo Khánh 18 năm tù và các bị cáo bị phạt từ hai năm án treo đến bảy năm tù giam.
Đồng thời về dân sự, HĐXX cũng không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, kháng cáo của nguyên đơn dân sự và người liên quan.
Đáng chú ý, HĐXX nhấn mạnh sai phạm của các bị cáo trong vụ án này gây thiệt hại đặc biệt lớn 8.800 tỉ đồng. Hồ sơ cũng như diễn biến xét xử cho thấy có nhiều khoản lãi bồi thường trái quy định hiện hành. Cụ thể, ngân hàng nhà nước quy định mức lãi suất chung. Trong khi, các ngân hàng thương mại thiết lập nhiều hợp đồng lãi suất lên đến 22% để tính thiệt hại. HĐXX phúc thẩm cho rằng cách tính lãi trên không chính xác. Do giới hạn xét xử như quy định, HĐXX không thể giải quyết dứt điểm vấn đề trên. HĐXX kiến nghị Chánh án, VKS xem xét lại phần lãi suất thiệt hại trong vụ án.
Theo quy định NHNN có mức lãi suất chung, các ngân hàng thương mại có rất nhiều hợp đồng lãi suất lên đến 22% để tính thiệt hại, cách tính lãi của ngân hàng không đúng, do giới hạn xét xử nên kiến nghị các cơ quan tố tụng xem xét lại phần lãi suất.
Cùng đó, cấp phúc thẩm còn gửi văn bản kiến nghị Trưởng ban Nội chính Trung ương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước một số vấn đề liên quan.