Triệu hồi đại sứ tại Lithuania, Bắc Kinh lo ngại hiệu ứng domino ở EU?

Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời giới quan sát Trung Quốc nhận định phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh đối với Lithuania liên quan vấn đề Đài Loan là do lo ngại sâu sắc rằng sẽ có nhiều quốc gia sẽ làm theo quốc gia Baltic này, gây ra hiệu ứng domino ở châu Âu.

Trung Quốc ngày 10-8 đã triệu hồi đại sứ tại Lithuania và yều cầu Lithuania triệu hồi đại sứ tại Bắc Kinh để phản đối quyết định của quốc gia Baltic này khi cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện ở thủ đô Vilnius “dưới danh nghĩa Đài Loan”.

Bắc Kinh cho rằng quyết định này là vi phạm chính sách "một Trung Quốc".

Lithuania giữ lập trường cứng rắn?

Theo SCMP, đây là lần đầu tiên Trung Quốc triệu hồi đại sứ từ một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi khối này được thành lập vào năm 1993. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng lần này Bắc Kinh có thể không đạt được kết quả mong muốn.

Bà Diana Mickeviciene - đại sứ Lithuania tại Trung Quốc. Ảnh: SIMON SONG

Vài giờ sau tuyên bố của Bắc Kinh, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda nói rằng với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, Lithuania sẽ tự quyết định chính sách đối ngoại của mình và kêu gọi Trung Quốc thay đổi quyết định của mình.

“Quan hệ Trung Quốc - Lithuania nên dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau. Nếu không, cuộc đối thoại sẽ biến thành tối hậu thư một chiều, điều không thể chấp nhận được trong quan hệ quốc tế” - ông Nauseda trao đổi với báo Baltic News Service.

“Đồng thời, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, Lithuania tự quyết định trong việc phát triển các mối quan hệ kinh tế và văn hóa với bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào, miễn là không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của mình” – ông Nauseda nói thêm.

SCMP dẫn một nguồn tin nắm rõ về kế hoạch của chính phủ Lithuania tiết lộ Lithuania sẽ triệu hồi bà Diana Mickeviciene - đại sứ Lithuania tại Trung Quốc - “ngay sau khi thời gian cách ly của bà ấy kết thúc”.

Nguồn tin xác nhận rằng Lithuania sẽ làm như vậy "theo đúng nghi thức, vốn đang bị cản trở vì thực tế là bà ấy đang bị cách ly".

Đại sứ Mickeviciene được cho là đã bắt đầu thời gian cách ly từ sáng 10-8, ngay trước khi Bắc Kinh yêu cầu Lithuania triệu hồi bà.

Lý do đằng sau phản ứng mạnh của Trung Quốc

Theo giáo sư Zhu Songling tại Viện Nghiên cứu Đài Loan thuộc ĐH Liên Hợp Bắc Kinh, việc cho phép một văn phòng sử dụng tên Đài Loan – động thái được hiểu là ủng hộ nền độc lập của Đài Loan - chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh phẫn nộ.

“Việc thay đổi tên văn phòng là một phần trong nỗ lực của chính quyền Đài Loan nhằm tìm kiếm một bước đột phá [trong công nhận ngoại giao] và Lithuania đang tìm cách làm hài lòng cả hai bên, điều này không thể chấp nhận được đối với Trung Quốc” – ông Zhu nhận định.

"Động thái của Lithuania phải được dừng lại, nếu không một số nước phương Tây có thể làm theo và điều này có thể gây ra hiệu ứng domino" - ông Zhu cho biết.

Triệu hồi đại sứ tại Lithuania, Bắc Kinh lo ngại hiệu ứng domino ở EU? Ảnh: EPA-EFE

Ông Zhu nhận định rằng bằng cách triệu hồi đại sứ của mình thay vì cắt đứt quan hệ ngoại giao, Bắc Kinh đang “để lại một số không gian đệm cho các diễn biến chính trị ở Lithuania để các chính trị gia Lithuania có thể tranh luận về cách đối phó trong quan hệ giữa nước này với Trung Quốc”.

“Nhưng đối với vấn đề Đài Loan, không có chỗ và khả năng để Trung Quốc thỏa hiệp” - ông Zhu nói thêm.

Trong khi đó, chuyên gia Pang Zhongying tại ĐH Hải Dương Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có lý do để lo lắng khi vào tháng 2, Lithuania là một trong số các quốc gia từ chối lời mời của Bắc Kinh tham dự hội nghị thượng đỉnh của Chủ tịch Tập Cận Bình với 17 quốc gia Trung và Đông Âu. Ba tháng sau, Lithuania thông báo sẽ rời bỏ nhóm này, được gọi là nhóm “17 + 1”, và kêu gọi các quốc gia khác cũng làm tương tự.

Theo SCMP, các nhà quan sát ở Trung Quốc và châu Âu đồng ý rằng Bắc Kinh khó có thể thay đổi chính sách đối ngoại tổng thể của mình.

“Lithuania, như hầu hết các quốc gia Trung và Đông Âu, quá nhỏ để kích động hoặc khuyến khích sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Đặc biệt là khi liên quan Đài Loan, Trung Quốc không sẵn sàng đón nhận những thay đổi như vậy” - bà Andreea Brinza, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương của Romania nhận định.

Quyết định của Trung Quốc có ‘phản tác dụng’?

Chuyên gia Pang cho rằng vẫn còn một câu hỏi là liệu “các biện pháp mạnh mẽ” của Bắc Kinh sẽ hiệu quả hay trở nên “phản tác dụng” vì cách tiếp cận chính sách đối ngoại chung của EU hay không.

“EU sẽ cần phải đáp trả và điều này có thể khiến những quốc gia trước đây không muốn đụng đến vấn đề Đài Loan phải tiến thêm một bước” – ông Pang cho biết.

Theo bà Una Aleksandra Berzina-Cerenkova - người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại ĐH Riga Stradins (Latvia), Bắc Kinh có thể đang xem xét kỹ lưỡng con đường mà các nước Baltic khác, bao gồm Estonia và Latvia, có thể chọn.

“Trung Quốc sẽ cố gắng khuyến khích họ không đưa ra động thái, hoặc ít nhất là theo đuổi một ‘cuộc rút quân trong im lặng’ mà không quay đầu ngay lập tức với Đài Loan” – bà Berzina-Cerenkova nhận định.

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh triệu hồi phái viên liên quan vấn đề Đài Loan. Năm 1981, Trung Quốc đã triệu hồi đại sứ tại Hà Lan sau khi Amsterdam cho phép một công ty Hà Lan bán tàu ngầm cho Đài Loan.

Vào thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu phía Hà Lan triệu hồi đại sứ của họ tại Trung Quốc, khiến quan hệ giữa hai nước đã “tuột dốc” trước khi trở lại bình thường vào năm 1984.

Lần gần đây nhất là vào năm 1995 khi Trung Quốc triệu hồi đại sứ tại Mỹ Li Daoyu sau khi Washington thông báo chuyến thăm của nhà lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm