Tờ Korea Times dẫn các nguồn tin cho biết, Triều Tiên đã cho canh gác rất nghiêm ngặt dọc biên giới rộng lớn của nước này với Trung Quốc. Lính gác được đặt trong tình trạng báo động, sẵn sàng bắt giữ những ai có ý định chạy trốn.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng cử điệp viên tới Trung Quốc, phối hợp với giới chức Trung Quốc tìm kiếm những người đào tẩu và đưa họ trở về nước.
Cũng theo các nguồn tin, giới chức Triều Tiên không phát giấy tờ đi lại cho công dân ở các khu vực biên giới trong khi người ở các vùng khác không được khuyến khích vào những vùng biên giới này.
Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn các vụ đào tẩu và cũng nhằm dẹp yên tâm lý sợ hãi trong dân chúng Triều Tiên, sau vụ thanh trừng một loạt quan chức cấp cao trong chính phủ, trong đó có ông Jang Song-thaek, phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng quyền lực của Triều Tiên, đồng thời là chú dượng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Jang là người được cho là giúp đảm bảo cho cuộc chuyển giao quyền lực cho ông Kim Jong-un diễn ra suôn sẻ vào 2 năm trước, sau khi cha ông đột ngột qua đời.
Theo Korea Times, trong những thập niên qua, nhiều người Triều Tiên cũng đã vượt biên sang các vùng đông bắc Trung Quốc để thoát khỏi cảnh đói kém và áp lực chính trị. Hàng chục ngàn người Triều Tiên được cho là đang trốn ở Trung Quốc để hi vọng có thể sang Thái Lan hoặc các quốc gia Đông Nam Á khác trước khi tới Hàn Quốc, nơi hiện có hơn 26.000 người Triều Tiên đào tẩu sang.
Trung Quốc không công nhận những người đào tẩu Triều Tiên là người tị nạn và thường xuyên trục xuất họ trở lại Triều Tiên.
“Có khả năng một lượng lớn người Triều Tiên sẽ đào tẩu sang Hàn Quốc khi nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên tiếp tục tiến hành sự cai trị khủng bố của mình”, ông King Myung-do, một giáo sư trường Kyungmin ở Hàn Quốc và là người từng đào tẩu khỏi Triều Tiên cho hay. Cụm từ “cai trị khủng bố” là cáo buộc của Tổng thống Hàn Quốc mới đây sau vụ thanh trừng chú của ông Kim Jong-un.