. Thưa TS Zack Cooper, sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Triều Tiên tiến hành vào ngày 3-9, Bình Nhưỡng ra tuyên bố giờ đây họ đã có trong tay vũ khí nhiệt hạch là bom H đủ khả năng trang bị lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Đặt giả thuyết rằng các tuyên bố của Triều Tiên là chính xác, theo ông việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ tái định hình cân bằng quyền lực tại Đông Bắc Á ra sao?
+ TS Zack Cooper (ảnh), nghiên cứu viên cấp cao về an ninh châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ: Theo tôi, Mỹ sẽ tiếp tục chiến lược cô lập và răn đe Triều Tiên, từ đó khiến sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên không thể thay đổi về nền tảng cục diện chiến lược tại khu vực Đông Bắc Á.
. Vụ thử hạt nhân vừa qua tạo ra những thách thức gì đối với sức mạnh và khả năng răn đe quân sự của Mỹ trong khu vực?
+ Mặc dù hiện mối đe dọa đã lớn hơn đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, chúng tôi vẫn duy trì lợi thế áp đảo quân sự đáng kể cả về các cấp độ leo thang vũ khí quy ước lẫn vũ khí hạt nhân. Theo đó, một vụ tấn công của Triều Tiên đồng nghĩa với tự sát. Vì vậy, Bình Nhưỡng vẫn có lý do để không thực hiện một vụ tấn công vào Mỹ hoặc các đồng minh và đối tác của Mỹ.
. Đáp trả lại vụ thử hạt nhân vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày 11-9 đã bỏ phiếu thông qua các sắc lệnh trừng phạt mới nhắm vào Triều Tiên. Trung Quốc, một đồng minh thân thiết của Bình Nhưỡng, đã quyết định ủng hộ việc trừng phạt nặng tay. Nhưng liệu cộng đồng quốc tế có thể trông cậy vào Trung Quốc để chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên hay không?
+ Đối với Trung Quốc, chúng tôi sẽ cần phải chờ xem họ nghiêm túc đến mức nào trong thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc một cách toàn diện. Tôi dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tăng thêm một số áp lực lên Triều Tiên để thể hiện sự không bằng lòng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều này sẽ không thay đổi về nền tảng tính toán của Triều Tiên đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Điều cốt lõi là Trung Quốc không muốn phải chứng kiến Triều Tiên sụp đổ. Vì vậy, tôi không tin rằng chúng ta có thể trông cậy vào Trung Quốc để giải quyết thách thức này. Nói là vậy nhưng vẫn có khả năng nhờ đến Trung Quốc ngăn cản Triều Tiên phổ biến công nghệ quân sự của họ sang các quốc gia khác mà điển hình là Iran hoặc Syria.
. Xin cám ơn ông.