Trưởng phái đoàn đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hoan nghênh phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đề xuất một "phương pháp mới" để giải quyết những bế tắc trong vấn đề hạt nhân.
Hãng thông tấn KCNA (Triều Tiên) hôm 20-9 công bố phát biểu của Trưởng phái đoàn Triều Tiên Kim Myong-gil, thể hiện sự lạc quan về cuộc đàm phán cấp sự vụ sắp tới và đề xuất cuộc gặp sẽ diễn ra vào cuối tháng này ở Washington.
Ông Kim Myong-gil, cựu Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam, Trưởng phái đoàn đàm phán Triều Tiên về vấn đề hạt nhân. Ảnh: REUTERS
"Tôi đã rất hào hứng khi được biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ ra sự bất công khi áp dụng ở Triều Tiên "phương thức giải trừ hạt nhân hoàn toàn theo mô hình Libya" và đề xuất một "phương pháp mới" để cải thiện quan hệ Triều Tiên - Mỹ", ông Kim Myong-gil cho biết.
"Tôi, với tư cách là trưởng phái đoàn Triều Tiên trong các cuộc đàm phán cấp sự vụ với Mỹ, hoan nghênh lựa chọn chính trị sáng suốt của Tổng thống Trump, tiếp cận quan hệ Triều Tiên - Mỹ với một góc nhìn thực tế hơn", quan chức này bình luận liên quan đến việc ông Trump sa thải cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton hồi tuần trước.
Hôm 18-9, Tổng thống Trump cho rằng việc Bolton đề cập đến "mô hình Libya" đã tác động xấu quan hệ Mỹ-Triều và "một phương pháp mới sẽ là tốt hơn nhiều".
"Bây giờ, tôi chưa chắc chắn liệu "phương pháp mới" mà ông Trump đề xuất là gì, nhưng với tôi, nếu ông ấy nhắc đến một giải pháp từng bước, bắt đầu từ những điểm khả thi nhất trong khi tiếp tục xây dựng lòng tin giữa hai bên, sẽ là lựa chọn tốt nhất", ông Kim nói. "Tôi cảm thấy lạc quan về kết quả của các cuộc đàm phán Triều Tiên - Mỹ với kỳ vọng phía Mỹ sẽ ngồi vào bàn đàm phán với một cách thức tính toán đúng đắn".
"Mô hình Libya" được đề xuất áp dụng cho Triều Tiên để đơn phương phá hủy các cơ sở hạt nhân của nước này. Quan điểm này đã vấp phải sự tức giận của Bình Nhưỡng, coi đó là một nguy cơ dẫn đến việc lật đổ chính quyền của họ.
Libya đã từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt vào năm 2003. Sau đó, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đã bị lật đổ và bị sát hại bởi lực lượng nổi dậy được NATO hậu thuẫn vào năm 2011.
Bình Nhưỡng yêu cầu quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên phải được diễn ra từng bước và đồng thời, mỗi bước đi giải trừ hạt nhân của Triều Tiên phải tương ứng với những nhượng bộ nhất định của Mỹ.
Những cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân đã bị đình chỉ sau khi cuộc gặp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Donald Trump hồi tháng 2 tại Việt Nam kết thúc mà không đạt được thỏa thuận do không thể thu hẹp những bất đồng giữa hai bên.
Hôm 16-7, một quan chức Triều Tiên cho biết những cuộc đàm phán có thể diễn ra trong vài tuần tới nhưng lưu ý, việc đàm phán chỉ có thể diễn ra thuận lợi khi những mối đe dọa đối với chế độ hiện tại ở Triều Tiên hoàn toàn bị loại trừ, ám chỉ việc đảm bảo an ninh và dỡ bỏ cấm vận từ phía Mỹ.