Đội tàu sân bay tấn công do siêu tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz dẫn đầu sẽ rời căn cứ hải quân Kitsap ở bang Washington vào ngày 1-6 để tới Tây Thái Bình Dương nhằm gia tăng sức ép lên Triều Tiên kiềm chế chương trình vũ khí nước này. USS Nimitz sẽ hội quân cùng với nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan.
Sau khi thông tin xuất hiện đồng loạt trên truyền thông quốc tế vào ngày 28-5, sáng sớm 29-5 Triều Tiên đã cho phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn loại Scud về biển Nhật Bản.
Động thái hiếm hoi
Tờ Asahi Shimbun dẫn lời giới quan sát cho rằng hiếm khi Mỹ triển khai cùng lúc ba nhóm tác chiến tàu sân bay tới cùng một khu vực. Quyết định mới của hải quân Mỹ đồng nghĩa với việc ba trong tổng số 11 hàng không mẫu hạm của Mỹ sẽ được điều tới Tây Thái Bình Dương.
Cũng theo nguồn tin nói trên, hải quân Mỹ lúc đầu định triển khai nhóm tàu USS Nimitz tới Trung Đông nhưng sau đó đổi chiến thuật và quyết định điều tàu này tới Tây Thái Bình Dương trong sáu tháng để ứng phó cuộc khủng hoảng liên quan tới Triều Tiên. Tờ báo ở Nhật đánh giá động thái mới của Washington cũng nhằm gửi tín hiệu tới Trung Quốc rằng nước này nên tiếp tục hợp tác với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên.
Tàu sân bay USS Nimitz của hải quân Mỹ. Ảnh: REUTERS
Thông tin này xuất hiện ngay trước vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud vào sáng 29-5 của Triều Tiên. Tên lửa này được cho là đã bay được 450 km trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản. Sau vụ phóng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố Tokyo sẽ chung tay với Mỹ có hành động cụ thể đối phó Triều Tiên.
Trong khi đó, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ đạo họp khẩn hội đồng an ninh quốc gia. Hàn Quốc đã lên án vụ phóng, thề đáp trả mạnh tay, xem đó là “mối đe dọa nghiêm trọng” và là thách thức với nỗ lực đối thoại liên Triều.
Moscow cũng đã chỉ trích vụ việc, đồng thời kêu gọi cộng đồng thế giới kiềm chế, theo hãng tin RIA Novosti. Trung Quốc thì kêu gọi Triều Tiên nêu rõ điều kiện trở lại bàn đàm phán và “hy vọng các bên liên quan bình tĩnh và kiềm chế”.
Triều Tiên gửi thông điệp gì?
Sự hiện diện của ba nhóm tàu sân bay của Mỹ ngay trước “cửa nhà” của Triều Tiên cho thấy Tổng thống Donald Trump không ngại dùng vũ lực với Bình Nhưỡng dù thời gian qua có nỗ lực kêu gọi đối thoại, tờ Daily Beast nhận xét.
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg nhận định vụ thử tên lửa lần này của Triều Tiên là lời cảnh báo gửi Mỹ và Hàn Quốc cho thấy nước này dư sức phát động tấn công bất cứ khi nào, chứ không chỉ để khẳng định tiến bộ về công nghệ. Theo một số nhà phân tích Hàn Quốc, tên lửa đạn đạo Scud đủ khả năng tấn công căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc. Hai tên lửa Triều Tiên được thử nghiệm hồi đầu tháng cũng có thể vươn tới Nhật Bản, đảo Guam và thậm chí là Alaska.
Michael Penn, Giám đốc hãng tin Shingetsu có trụ sở Tokyo, nói với Al Jazeera rằng vụ phóng thử tên lửa sáng sớm 29-5 là một phần nỗ lực của Triều Tiên trong việc củng cố nền quân sự nước này trước các đe dọa tiềm năng từ Mỹ. “Họ cho rằng đây là cách tốt nhất để phô trương khả năng phòng thủ trước một chính quyền Trump khó đoán” - ông Penn nhận định.
Trang phân tích Nikkei Asian Review cũng cho rằng vụ việc là cách Triều Tiên phản đối sự gia tăng sức ép hiện diện quân sự từ Mỹ. Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin quân sự cho biết Triều Tiên thực hiện hàng loạt vụ phóng tên lửa thời gian gần đây là nỗ lực gây sức ép lên tân tổng thống Hàn Quốc, buộc ông thay đổi chính sách.
Vụ phóng tên lửa sáng 29-5 là vụ phóng thứ ba kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức hôm 10-5. • Ngày 14-5, khoảng 5 giờ 27 phút sáng, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12. Tên lửa bay được khoảng 700 km trước khi rơi xuống vùng biển giữa vùng duyên hải phía Đông Triều Tiên với Nhật Bản, gần bờ biển Nga. • Ngày 21-5, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo không xác định từ địa điểm gần Pukchang. Tên lửa đạt độ cao khoảng 560 km và được cho là bay 500 km về phía biển Nhật Bản. ______________________________ 12 là số tên lửa Triều Tiên đã phóng trong chín vụ thử tên lửa từ đầu năm 2017 đến nay. |