Trên ván cờ chưa hồi kết Trung - Mỹ, liệu Triều Tiên chỉ là một “quân bài mặc cả” hay quốc gia này ngược lại đang đóng vai trò người điều khiển cục diện?
Chuyến thăm Trung Quốc kéo dài bốn ngày của ông Kim Jong-un tuần qua là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn sớm đạt thỏa thuận với Washington qua ảnh hưởng của mình đến Triều Tiên trong cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh thương mại.
Hôm 8-1, Phó đại diện Thương mại Jeffrey Gerrish đã dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến làm việc với các quan chức Trung Quốc tại Trụ sở Bộ Thương mại nước này. Cùng buổi sáng hôm đó, chuyến tàu bí mật đưa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm lần thứ tư của ông Kim theo lời mời của chủ tịch Tập Cận Bình. Những thông tin mới nhất cho biết Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã thống nhất chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập vào tháng 4 năm nay, dự đoán diễn ra sau khi Thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc.
Sự trùng hợp về thời điểm diễn ra cuộc viếng thăm Trung Quốc của ông Kim và các cuộc đàm phán chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm dấy lên hoài nghi trong giới chuyên gia, dù Bắc Kinh phủ nhận sự liên quan của hai sự kiện này. Trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai sắp tới, The New York Times nhận xét Triều Tiên chính là nhân tố đòn bẩy cho quan hệ Mỹ - Trung.
Thật vậy, vai trò của Triều Tiên được ví như sách lược “cây gậy và củ cà rốt” trong quan hệ hai cường quốc hàng đầu thế giới, vốn cũng đã được tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đến nhiều lần. Trong một bài đăng trên Twitter hồi năm 2017, ông viết: “Tôi đã giải thích với Chủ tịch Trung Quốc rằng một thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ có lợi hơn nhiều cho họ nếu họ giải quyết vấn đề Triều Tiên.” Đây được coi như một lời cảnh báo đối với ông Tập.
Hơn một năm sau dòng tweet đó, chính quyền ông Trump đã áp đặt hàng rào thuế quan đối với Trung Quốc, gây ra cuộc chiến thương mại không bên nào mong muốn khi ông Tập không có những biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Triều Tiên.
Sự xuất hiện của ông Kim Jong-un tại Trung Quốc tuần qua là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách tác động tới Mỹ thông qua ảnh hưởng đến quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mục tiêu của Bắc Kinh là nhanh chóng kết thúc bất đồng thương mại.
Về phía chính quyền ông Trump, những nhà thương mại với quan điểm diều hâu đang gây sức ép với Trung Quốc khi cho rằng nước này vẫn chưa đưa ra những nhượng bộ hợp lý cho đến giờ phút này. Họ cho rằng Bắc Kinh cần làm rõ những lời hứa mơ hồ với việc cải thiện tài sản trí tuệ, hạn chế trợ cấp chính phủ và ngưng gây áp lực đối với các công ty Mỹ trong quá trình chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc.
Trong thời điểm nóng hổi của cuộc chiến thương mại này, vấn đề hạt nhân Triều Tiên chính là “quân bài” mặc cả đắt giá, một dấu hiệu nhượng bộ có giá trị mà Trung Quốc cần đến trong ván cờ lớn với Mỹ.
Nhìn bề ngoài, Bắc Kinh và Washington có cùng mối quan tâm chính đáng đến việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, chiến lược chủ chốt của tổng thống Donald Trump đối với phía Bình Nhưỡng là sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nhất. Kế hoạch này không thể thành công nếu thiếu đi sự hợp tác của Trung Quốc, vì hơn 90% giao dịch thương mại quốc tế của Triều Tiên là với người hàng xóm này.
Giới chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng ông Kim Jong-un nối lại các vụ thử tên lửa hạt nhân một khi Mỹ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Nói cách khác, nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên của Washington sẽ khó có thể đạt được nếu không có sự can thiệp dù ít hay nhiều của Bắc Kinh.
Thách thức đặt ra cho Mỹ không chỉ là việc giải quyết ổn thỏa hậu quả của chiến tranh thương mại, mà còn là tạo nên mối quan hệ mang tính chất xây dựng với Triều Tiên, một nhân tố vốn có khuynh hướng sử dụng quyền lực một cách khó đoán. Đạt được điều này, Washington sẽ có thêm đối trọng với Bắc Kinh, đồng thời có triển vọng hơn với quá trình phi hạt nhân hóa dài hơi.
Trên ván cờ khó nhằn này, nhà lãnh đạo khó đoán của Triều Tiên không phải là người sẽ để mặc cho hai bên Mỹ-Trung điều khiển cục diện. Ông Kim có những toan tính riêng của mình.
Sau một năm tập trung thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, ông bất ngờ tuyên bố chuyển hướng phát triển kinh tế vì đã đạt được năng lực hạt nhân cần thiết. Từ nhà lãnh đạo quyết tâm phát triển tên lửa, ông Kim thực hiện các chuyến công du không hề kém cạnh những người đồng cấp của mình, cam kết phi hạt nhân hóa và quan tâm hơn đến kinh tế đối ngoại.
Kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh Singapore được công bố vào tháng 3-2018 đến nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thăm Trung Quốc tổng cộng bốn lần. Trong mọi cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ hay Hàn Quốc của ông Kim đều có sự góp mặt của Trung Quốc. Điều này chứng tỏ ông Kim ngầm coi Trung Quốc là đồng minh số một của mình.
Tuy nhiên, Triều Tiên hoàn toàn có thể chuyển hướng bất cứ lúc nào khi thấy một trong hai bên Trung - Mỹ gây áp lực quá sức. Nhiều ý kiến cho rằng Bình Nhưỡng đang cố gắng tìm thế cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh nhân cuộc chiến thương mại và quan hệ đối ngoại căng thẳng giữa hai bên.
Giám đốc chương trình về chính sách Mỹ - Hàn tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ Scott A. Snyder đặt ra nhiều câu hỏi về lợi ích thực sự mà Triều Tiên thấy được từ cuộc chiến thương mại cũng như từ phía Trung Quốc. Chính quyền ông Kim tổ chức bốn vụ thử nghiệm hạt nhân thành công liên tiếp trong vòng năm năm, trước sự phớt lờ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tình trạng này đã tiếp diễn cho đến khi truyền thông đưa tin tổng thống Trump nhận lời mời gặp ông Kim. Tần suất thăm viếng giữa ông Tập và ông Kim dường như bị chi phối bởi điểm yếu của ông Kim hơn là sức chi phối mà ông luôn thể hiện.
Quá trình đàm phán Mỹ - Triều phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp, trong đó Trung Quốc chiếm vai trò quan trọng. Mỹ muốn Triều Tiên hoàn toàn phi hạt nhân hóa trong khi Bình Nhưỡng muốn việc này diễn ra song song với dỡ bỏ cấm vận và trừng phạt kinh tế. Trung Quốc vừa muốn duy trì đối trọng với Mỹ qua Triều Tiên, nhưng đồng thời muốn dùng vấn đề hạt nhân Triều Tiên làm quân bài mặc cả nhằm kết thúc chiến tranh thương mại.