"Trong 10 ngày tới, khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ sẽ có mưa lớn kéo dài. Tổng lượng mưa ở một số khu vực miền Trung có thể đạt 500 - 1.000 mm, có nơi lớn hơn" - ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia (NCHMF) cho biết như trên tại cuộc họp ứng phó với vùng áp thấp đang mạnh lên của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức sáng nay, 6-10.
Vị trí và đường đi của áp thấp. Ảnh: NCHMF
Theo NCHMF, sáng 6-10, tâm vùng áp thấp còn cách đảo Song Tử Tây khoảng 60km về phía bắc tây bắc. và đang di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).
Đến sáng mai (7-10), vị trí tâm ATNĐ cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 180km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Ngày mai, thời tiết xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp vùng Nam Trung bộ. Đặc biệt, khi kết hợp với không khí lạnh sẽ tạo nên đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày tại Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ.
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cao điểm của đợt mưa đầu tiên kéo dài từ nay đến ngày 11-10, sau 11-10 tiếp tục đợt mưa lớn lần hai. Trong 10 ngày tới, tổng lượng mưa ở Trung bộ có thể lên tới 1.000mm, có nơi đến 1.500mm.
Đáng chú ý, từ ngày 11 đến 13-10 trên Biển Đông có khả năng xuất hiện một ATNĐ khác nữa.
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, đánh giá đây là đợt thiên tai rất nguy hiểm, phạm vi ảnh hưởng rộng nên cần sẵn sàng phương án ứng phó.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin về tình hình vùng áp thấp. Ảnh: NGỌC HÀ
Ông Hoài đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia tăng cường dự báo, ngoài dự báo dài hạn cần có dự báo phạm vi hẹp và ngắn hạn, nhất là khu vực có nguy cơ mưa lũ lớn.
"Theo dự báo có những vùng tổng lượng mưa lên tới 1.500mm thì đây là tình huống rất nguy hiểm, cấp độ rủi ro rất lớn" - ông Hoài nói.
Ông Hoài đề nghị các tỉnh ven biển cần có phương án đảm bảo an toàn cho người dân và các lồng bè nuôi trồng thủy sản, đồng thời quan tâm đến các phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Trên đất liền, các địa phương triển khai kiểm tra hệ thống đê biển, đê cửa sông, đê đang thi công, nhất là khu vực xung yếu để có giải pháp đảm bảo an toàn.
Ông Hoài nhấn mạnh, khu dân cư, khu vực vùng trũng, thấp sẽ chịu ảnh hưởng kép từ tương tác gió của ATNĐ và ngập lụt do mưa lũ nên cần sẵn sàng các phương án sơ tán dân trong tình hình lũ lụt kéo dài ở khu vực này.
ông Trần Quang Hoài Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: NGỌC HÀ
Về tình hình hồ chứa, mặc dù các hồ chứa vẫn còn dung tích cắt lũ nhưng với diễn biến mưa lũ như hiện nay và trong thời gian tới, ông Hoài đề nghị không được chủ quan, cần phải để ra các giải pháp ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng cho vận hành 10 liên hồ chứa khu vực miền Trung.
Đại diện Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cũng yêu cầu đảm bảo an toàn cho người dân khu vực miền núi đặc biệt nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ từ khu vực thượng Lào. Rà soát từng hộ dân để đảm bảo an toàn, chuẩn bị nhu yếu phẩm, trang thiết bị cần thiết đề phòng trường hợp bị chia cắt kéo dài.
Trong ngày mai, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sẽ tổ chức 02 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với ATNĐ và tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.