Trung - Nhật nổi sóng

Vụ đụng độ giữa các tàu tuần tra thuộc Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) với tàu đánh cá Trung Quốc diễn ra ngày 7-9 tại vùng biển thuộc quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản hay Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc. Đây là quần đảo đang tranh chấp giữa 2 nước.

Theo cáo buộc của JCG, phát hiện hai chiếc tàu đánh cá Trung Quốc tiến hành đánh bắt trái phép trong “vùng đặc quyền kinh tế” của Nhật Bản, tàu tuần tra JCG đã ra ngăn chặn. Các tàu cá Trung Quốc đã lao thẳng vào các tàu tuần tra của Nhật Bản gây ra va chạm giữa hai bên.

Trung - Nhật nổi sóng ảnh 1

Tàu cá Trung Quốc (trái) bị tàu của JCG bắt giữ đưa về đảo Ishigaki

Tuy vụ đụng độ không làm ai thương vong nhưng đã khiến hai tàu tuần tra Yonakuni và Mizuki của JCG bị hư hỏng nhẹ. Các tàu tuần tra Nhật Bản sau đó đã “cầm giữ“ một tàu cá Trung Quốc cùng thuỷ thủ đoàn 15 người đưa về đảo Ishigaki.

Thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc ngày 9-9 đã được đưa đến Cơ quan công tố Nhật Bản trên đảo Ishigaki để thẩm vấn trong khi tàu đánh cá và 14 thuỷ thủ được thả về trong ngày. JCG cáo buộc thuyền trưởng Zhan Qixiong, 41 tuổi, đã “cố tình cản trở công chức làm nhiệm vụ công”.

Hành động của phía Nhật Bản đã lập tức dấy lên sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc. Ngay trong tối 7-9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh Uichiro Niwa đến để phản đối “hành vi ngăn chặn trái phép” tàu cá Trung Quốc, đồng thời đòi phóng thích ngay lập tức con tàu và thủy thủ đoàn.

Cũng trong ngày thuyền trưởng tàu đánh cá bị đưa tới cơ quan công tố Nhật Bản thẩm vấn, Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lẫn nữa triệu Đại sứ Nhật Bản đến để “bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ“. Đây được xem là lần hiếm hoi Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu Đại sứ Nhật Bản hai lần liên tiếp trong vòng có 24 giờ.

Căng thẳng mới một lần nữa làm nóng trở lại cuộc tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản hay Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc. Quan hệ Trung-Nhật từng không ít nổi sóng gió bởi tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo này.

Theo nhìn nhận của giới quan sát, tranh chấp chủ quyền lần này cũng như nhiều lần tranh chấp trước đó dù có căng thẳng tới đâu đều rất khó bùng phát thành cuộc xung đột trên biển giữa hai bên. Bởi sẽ hầu như không có người thẳng kẻ thua trong một cuộc xung đột như vậy trong khi lợi ích chiến lược của cả hai bên sẽ bị tổn hại ghê gớm.

Vì thế, các nhà quan sát cho rằng Nhật Bản và Trung Quốc sẽ tìm cách giải quyết êm thấm vụ va chạm xảy ra ngày 7-9. Phát biểu từ Tokyo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshito Sengoku mong muốn vụ việc không ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.  

Theo Hoàng Tuấn (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm