Trung Quốc bắt giữ gần 13.000 phần tử khủng bố từ 2014

Thông tin trên được tiết lộ qua một tài liệu chính sách nhằm bảo vệ các biện pháp chống các phần tử Hồi giáo cực đoan, vốn gây nhiều tranh cãi.

Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng chỉ trích quốc tế từ việc thiết lập các cơ sở được Liên Hiệp Quốc mô tả như các trại giam giữ tập trung hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo tại Tân Cương.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc trên. Bắc Kinh tuyên bố cần các biện pháp để ngăn chặn mối đe dọa từ phiến quân Hồi giáo cực đoan, và gọi đó là các "trung tâm hướng nghiệp".

Lá cờ Trung Quốc bay trên một nhà thờ Hồi giáo địa phương tháng 6-2017 tại Kashgar, Tân Cương (Ảnh: Kevin Frayer)

Sách Trắng chống khủng bố của Trung Quốc cho hay các nhà lập pháp nước này đã “thực hiện một chính sách nhằm đạt được sự cân bằng đúng đắn giữa lòng thương và mức độ nghiêm trọng.”

Tài liệu này cũng cho biết kể từ năm 2014, Tân Cương đã tiêu diệt 1.588 băng đảng bạo lực và khủng bố, bắt giữ 12.995 phần tử khủng bố, thu giữ 2.052 thiết bị nổ, trừng phạt 30.645 người vì 4.858 hoạt động tôn giáo bất hợp pháp và tịch thu 345.229 bản sao tài liệu tôn giáo bất hợp pháp.

Theo chính phủ Trung Quốc, chỉ một số ít người như những thủ lĩnh các nhóm khủng bố mới phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc. Trong khi đó, những tín đồ bị ảnh hưởng bởi tư duy cực đoan được cải tạo, giáo dục lại về lòng tin đúng đắn. 

Sách Trắng cho biết Tân Cương đã phải đối mặt với một thách thức đặc biệt kể từ sau vụ tấn công 11-9 tại Mỹ. Sau vụ khủng bố thế kỷ, các phần tử cực đoan Đông Turkestan đẩy mạnh hoạt động ở Trung Quốc.

“Những phần tử này hét lớn tuyên ngôn về việc lên thiêng đàng nhờ thánh chiến, lợi dụng lòng tin sai lệch này lôi kéo, điều khiển nhiều người trở thành khủng bố cực đoan, thậm chí những ác quỷ giết người”, theo Sách Trắng.

Tài liệu này cũng cho biết thêm chủ nghĩa cực đoan tôn giáo dưới ngọn cờ Hồi giáo đi ngược lại các học thuyết Hồi giáo, và không phải là Hồi giáo chân chính.

Tân Cương từ lâu đã là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Duy Ngô Nhĩ là một dân tộc phát triển từ quá trình di cư và hội nhập dân tộc lâu dài. Họ không phải hậu duệ của người Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Trung Quốc tuyên bố trong Sách Trắng.

"Các biện pháp phòng ngừa" đã đem lại "hiệu quả rõ rệt" trong khu vực, người dân "có ý thức mạnh hơn về an ninh, hạnh phúc và lòng thỏa mãn", trích Sách Trắng.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo duy nhất thường xuyên bày tỏ mối quan ngại về tình hình ở Tân Cương, do liên kết văn hóa chặt chẽ với dân tộc nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ - Duy Ngô Nhĩ.

Trung Quốc đã lên án mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ là không chính đáng và mang tính can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm