Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) của Hong Kong ngày 8-1 cho biết số lượng các “chiến binh thánh chiến có tay nghề” bị chặn đứng khi đang nỗ lực đi vào lãnh thổ Trung Quốc đã tăng đột ngột trong năm 2017.
Theo thông tin từ các cố vấn an ninh và ngoại giao bên trong chính phủ Trung Quốc, sự gia tăng trong các vụ ngăn chặn này cho thấy mối đe dọa ngày càng cao mà Trung Quốc đang đối mặt, đặc biệt ở khu tự trị Tân Cương. Tuy nhiên, các nguồn tin không thông tin cụ thể số lượng các chiến binh khủng bố bị bắt giữ.
Trung Quốc tăng cường an ninh ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương sau các vụ bạo động ở đây hồi năm 2009. Ảnh: AFP
Phát biểu tại một diễn đàn về quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh cuối tháng 12-2017, ông Quý Chí Nghiệp (Ji Zhiye), người đứng đầu Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc (CICIR), đánh giá Bắc Kinh hiện đối mặt trước nguy cơ bị tấn công khủng bố đáng kể.
“Số lượng các chiến binh thánh chiến bị bắt giữ ở các khu vực biên giới ở Trung Quốc đã tăng lên gấp 10 lần so với con số của năm 2016” - ông Quý nói.
Vị này cho biết ước tính khoảng 30.000 chiến binh thánh chiến chiến đấu ở Syria đã rời quốc gia này và quay về quê hương của họ ở các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc.
Trung Quốc những năm gần đây đẩy mạnh các biện pháp chống khủng bố trên khắp cả nước, đặc biệt ở Tân Cương. Ảnh: AFP
Trong khi đó, ông Lý Thiệu Tiên (Li Shaoxian) đến từ Viện nghiên cứu Trung Quốc-Ả Rập ở ĐH Ninh Hạ cuối tuần trước nhận định khu tự trị Tân Cương hiện đang đối mặt các mối đe dọa khủng bố “nghiêm trọng”.
Trung Quốc đã cảnh giác cao trước các âm mưu tấn công khủng bố kể từ nửa cuối năm 2015 khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mở rộng địa bàn hoạt động ở Trung Á và Đông Nam Á, đặc biệt ở Philippines và Indonesia, theo SCMP.
“Chủ nghĩa khủng bố là một vấn đề mang tính toàn cầu và không thể bị xóa bỏ chỉ trong ngắn hạn. Thực tế Trung Quốc đang đối mặt với mối đe dọa này. Có nhiều phần tử cực đoan được huấn luyện đã quay lại Tân Cương” - ông Lý nói.
Hồi tháng 11-2017, Đại sứ Syria tại Trung Quốc Imad Moustapha cho biết ước tính khoảng 5.000 chiến binh Trung Quốc, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ đến từ Tân Cương, được cho là đã được huấn luyện ở Syria.
Năm 2016, IS còn đăng tải loạt ảnh cho thấy một cụ ông 81 tuổi người Trung Quốc có tên Muhammed Ami, chiến binh cao tuổi nhất của nhóm này, nhằm “lên dây cót” tinh thần cho các chiến binh của chúng.
Bắc Kinh đã đổ trách nhiệm các vụ tấn công bạo lực ở miền Tây Trung Quốc lên các chiến binh đến từ Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan (ETIM). Bắc Kinh cũng đã tăng cường an ninh ở Tân Cương kể từ các vụ bạo động ở Urumqi hồi năm 2009.
Bên cạnh các cuộc tập trận chống khủng bố với các quốc gia Trung Á thông qua Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Trung Quốc cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nước Đông Nam Á ngăn chặn các nhóm khủng bố để tránh bùng phát ra toàn khu vực.