Trung Quốc chi 7,5 tỉ USD, Hàn Quốc 7 tỉ USD cho công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần bao nhiêu?

(PLO)- Chính phủ sẽ đầu tư một số trung tâm khoa học phục vụ công tác nghiên cứu cơ bản, theo mô hình các trường đại học có thể dùng chung làm cơ sở thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giải trình trong phiên chất vấn sáng nay.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Việt Nam tháng 9 -2023, cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ, trong đó ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam, và tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu... đang mở ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta.

Cơ hội đấy càng trở nên rõ hơn trong cạnh tranh địa chính trị gay gắt, khi chất bán dẫn, công nghệ bán dẫn trở thành một công cụ. Nhưng làm thế nào để Việt Nam nắm bắt, khai thác hiệu quả cơ hội ấy thì là bài toàn liên ngành, ở tầm Chính phủ.

Có lẽ vì vậy, nên khi được Thủ tướng Phạm Minh Chính ủy quyền đăng đàn trả lời sáng nay, 6-6, ở phần cuối cùng của phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chọn nội dung này đề báo cáo, giải trình.

Phó Thủ tướng nói: “Chúng ta xác định Việt Nam là đất nước có nhiều lợi thế. Chúng ta là một trong những nước phát triển kinh tế số rất nhanh. Người Việt Nam có những phần mạnh nổi trội là yêu toán học, khéo léo. Trong giáo dục, đào tạo, chúng ta quan tâm khá toàn diện, từ CNTT đến vật liệu, vật lý… là những lĩnh vực có liên quan. Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để tham gia sâu vào lĩnh vực này”.

Trung Quốc chi 7,5 tỉ USD, Hàn Quốc 7 tỉ cho công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần bao nhiêu?
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: QH

Giơ biển tranh luận, ĐBQH thuộc đoàn Quảng Nam, ông Tạ Văn Hạ bày tỏ đồng ý với đánh giá của lãnh đạo Chính phủ.

"Đúng là chúng ta đã chuẩn bị nguồn nhân lực. Nhưng vấn đề là làm sao tận dụng được cơ hội sớm nhất, nhanh nhất, biến lợi thế thành tiềm năng, biến tiềm năng thành lợi thế để thu hút các nhà đầu tư?”- ông Hạ chất vấn.

Dẫn số liệu Trung Quốc đã bỏ ra 45,5 tỉ USD, Hàn Quốc bỏ hơn 7 tỉ USD để hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn, vị đại biểu tỉnh Quảng Nam hỏi: “Hệ thống chính sách của Việt Nam như thế nào? Chúng ta phải chuẩn bị những gì để thu hút được các nhà đầu tư?”

Thừa nhận rằng các giải pháp để Việt Nam có thể tham gia đầy đủ các chuỗi giá trị, nắm bắt các khâu trong ngành công nghiệp bán dẫn "là cả vấn đề", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phân tích rằng ta có lợi thế là được các nước đang làm chủ công nghệ sản xuất ưu tiên chuyển giao một phần công nghệ nào đó.

Tuy nhiên, ngay cả như vậy thì việc nắm bắt công nghệ, làm chủ sản xuất không đơn giản do phải nghiên cứu cơ bản, kết hợp nhiều khâu khác nhau và triển khai một cách lâu dài.

Chính vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo đầu tư một số trung tâm khoa học công nghệ phục vụ công tác nghiên cứu cơ bản, theo mô hình các trường đại học có thể dùng chung. Cùng với đó là tiếp tục đầu tư các trung tâm đổi mới sáng tạo để thúc đẩy, kết nối đầu tư, hợp tác phát triển công nghệ.

Cùng chủ đề, ĐB Nguyễn Văn Thân, tỉnh Thái Bình bày tỏ đồng ý với các giải pháp của Chính phủ. Dù vậy, ông nêu băn khoăn rằng ngay cả bếp ăn ở các khu công nghiệp lớn cũng là chủ doanh nghiệp nước ngoài sở hữu. “Cho nên chúng ta hi vọng được chuyển giao công nghệ là hơi khó. Vấn đề này đề nghị Nhà nước phải có chính sách đầu tư trực tiếp”, ĐB Thân nói.

Kết thúc nội dung này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu: "Những đầu tư này rất lớn. Chẳng hạn khu vực sản xuất thử được cũng phải đầu tư 7 tỉ USD". Ông cho biết Chính phủ nhận thức rằng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn thì phải có sự tham gia của nhà nước về nguồn lực, nhưng quan trọng nhất cần sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vốn gắn nhiều với thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm