Trung Quốc chỉ trích nỗ lực ‘kết bạn’ trong giao thương của phương Tây

(PLO)- Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Dịch Cương đã chỉ trích nỗ lực của phương Tây trong việc tăng giao thương giữa các đồng minh, cho rằng việc này tạo căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-4, Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc (TQ) Dịch Cương đã chỉ trích nỗ lực của các nước phương Tây trong việc tăng giao thương với đồng minh để giảm sự phụ thuộc vào TQ, cho rằng việc này tạo căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu, theo hãng tin Reuters.

Phát biểu tại cuộc họp ngày 14-4 của Ủy ban Tài chính và tiền tệ quốc tế (IMFC), ông Dịch cảnh báo: “Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với áp lực suy giảm ngày càng tăng”.

“Mặc dù căng thẳng chuỗi cung ứng nói chung đã giảm bớt, nhưng nó vẫn tiếp tục bị thách thức bởi các biện pháp bảo hộ như onshoring, nearshoring và friend-shoring” - ông lưu ý.

Thuật ngữ “onshoring” chỉ việc đưa các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ở nước ngoài trở về nước, “nearshoring” là việc doanh nghiệp đưa các xưởng sản xuất về gần với thị trường trong nước và “friend-shoring” là chiến lược sản xuất tại các nước đồng minh.

Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Dịch Cương tại cuộc họp của Ủy ban Tài chính và tiền tệ quốc tế (IMFC) ở thủ đô Washington D.C (Mỹ) ngày 14-4. Ảnh: REUTERS

Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Dịch Cương tại cuộc họp của Ủy ban Tài chính và tiền tệ quốc tế (IMFC) ở thủ đô Washington D.C (Mỹ) ngày 14-4. Ảnh: REUTERS

Dù ông Dịch không trực tiếp đề cập Mỹ, nhưng 3 biện pháp mà ông nêu ra chính là những động thái mà Washington đang theo đuổi nhằm vực dậy ngành sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào TQ trong chuỗi cung ứng.

Ông cũng kêu gọi thúc đẩy một “môi trường cởi mở, toàn diện, công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử” cho khoa học và công nghệ.

Tại cuộc họp, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - bà Kristalina Georgieva đã cảnh báo các nhà hoạch định chính sách về nguy cơ xảy ra cuộc Chiến tranh Lạnh mới nếu các nền kinh tế tăng cường nỗ lực bảo đảm chuỗi cung ứng công nghiệp trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.

Phát biểu của các quan chức được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington đang tham gia vào một cuộc chiến công nghệ cao khốc liệt. Từ tháng 2, Mỹ đã bắt đầu triển khai Đạo luật Khoa học và CHIPS của Tổng thống Joe Biden để phân bổ khoản trợ cấp khổng lồ cho các nhà sản xuất chip trong nước, đối phó với sự cạnh từ TQ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm