Chọn lựa của Trung Quốc là "tận dụng" cả hai động cơ ấy bởi sự tăng trưởng quan trọng của kinh doanh sách tại thị trường nội địa cũng như nước ngoài, và bởi tạo cảm giác cho các nhà tổ chức rằng, đây là thời điểm họ cần chú tâm hơn tới sự phát triển của văn học hiện đại Trung Quốc. Vì thế, ước tính Trung Quốc chi gần 7,5 triệu USD cho sự kiện có sự tham gia của hơn 200 nhà xuất bản đại lục.
Tuy nhiên, trong khi chứng kiến hơn 2.000 hợp đồng tác quyền liên quan tới nhà xuất bản Trung Quốc thì hội chợ cũng cho thấy sự kiểm soát của Trung Quốc về những gì được viết ra và xuất bản. Với 270.000 tiêu đề được xuất bản năm 2008, Trung Quốc nóng lòng gây dựng một vị trí trong văn chương toàn cầu và Frankfurt là cơ hội lý tưởng để làm việc đó. Một nhân vật quan trọng của Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình, đã đích thân đi thăm hội chợ.
Một cơ quan của chính phủ đã sắp xếp đưa 100 cuốn sách Trung Quốc dịch sang tiếng Anh và Đức cho sự kiện này.
Wu Wei - người phụ nữ đứng sau dự án "bước ra toàn cầu" của Bắc Kinh với văn chương Trung Quốc nói cùng Southern Weekend, rằng, chính kinh tế suy thoái đã tập trung sự chú ý toàn cầu vào mọi phương diện của Trung Quốc. "Ở phương Tây, rất nhiều người nói tới mô hình Trung Quốc và những gì xảy ra khi Trung Quốc "dẫn dắt thế giới", bà nói. "Nhưng phương Tây biết rất ít về văn hóa, tư tưởng Trung Quốc và đây chính là điểm xuất phát cho học thuyết "đe dọa", "sụp đổ". Nhưng đó cũng là cơ hội để chúng tôi tuyên truyền tư tưởng của mình".
Bắc Kinh đã tận dụng sự chú ý của quốc tế bằng mọi cách, gia tăng vị thế trong chính trị và kinh tế, thậm chí còn nỗ lực xuất khẩu mô hình kinh tế của họ. Nhưng tạo dấu ấn trong một thế giới tư tưởng văn hóa, hiện tại lại là một khó khăn với đại lục.
Vài năm gần đây, Trung Quốc phải vật lộn với cái gọi là "thâm hụt văn hóa", với số sách nhập khẩu nhiều gấp 10 lần sách xuất khẩu. Giờ đây, khi là một trong những cường quốc kinh tế và thương mại, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cuộc "xâm thực văn hóa" với niềm tin rằng, công nghiệp văn hóa sẽ là bước tiếp theo của quá trình chuyển dịch của Trung Quốc từ vị trí ngôi sao đang lên thành siêu sao toàn cầu.
Thực thi một phần nỗ lực này, Bắc Kinh đã đầu tư xây dựng hàng trăm học viện Khổng Tử ở nước ngoài để đưa tiếng phổ thông đi khắp thế giới. Ví dụ kể từ năm 2004, khi học viện Khổng Tử đầu tiên thành lập tại Seoul, Hàn Quốc tính tới nay đã có hơn 250 học viện xuất hiện khắp thế giới.
Trong lĩnh vực xuất bản, quan chức cơ quan thông tin thuộc Hội đồng Nhà nước đã dẫn đầu một tổ chuyên gia đảm nhận nhiệm vụ lựa chọn những tiêu đề nổi tiếng để dịch và đưa ra thị trường thế giới.
Họ dành gần năm năm và đầu tư 15 triệu USD để chuẩn bị cho sự ra mắt của Trung Quốc tại Hội chợ sách Frankfurt - sự kiện được coi là "Olympics của thế giới xuất bản".
"Đây là một thành tựu to lớn với chúng tôi", Li Pengyi, một thành viên đoàn đại biểu Trung Quốc tham gia hội chợ sách - Phó Chủ tịch Tập đoàn Xuất bản Trung Quốc - nói với báo chí lúc kết thúc sự kiện. "Chúng tôi có thể nói đã trở về nước với hai thành quả lớn - một cho văn hóa Trung Quốc nói chung và một cho thương mại tác quyền đại lục".
Để gia tăng nỗ lực tuyên truyền văn hóa thậm chí giữa bối cảnh kinh tế suy thoái, quan chức Trung Quốc còn quyết định tặng sách miễn phí cho khoảng 100 thư viện khắp thế giới.
Theo Kỳ Thư ( VNN, YaleGlobal, Atimes)