Trung Quốc (TQ) đã chi 48 tỉ USD cho khu vực Đông Á và Thái Bình Dương giai đoạn 2000-2016 để khuyến khích các quốc gia ở khu vực này tiêu thụ hàng TQ cũng như ủng hộ các chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Ngoài ra, TQ còn chi 273 triệu USD cho công tác viện trợ nhân đạo, 613 triệu USD cho hoạt động hỗ trợ ngân sách trực tiếp và 90 triệu USD cho việc giảm nợ. Theo đánh giá của AidData, số tiền TQ chi trả cho các hoạt động ngoại giao nhân dân nêu trên không lớn so với các khoản đầu tư của nước này vào cơ sở hạ tầng.
Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy “ngoại giao tài chính” với quốc tế. Ảnh: INTERNET
Mục đích của TQ được đánh giá là rất rõ ràng. Đó là khuyến khích các quốc gia mua hàng TQ nhiều hơn, mở ra các cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp TQ, điều khiến các cá nhân có thẩm quyền với tài nguyên thiên nhiên, hợp pháp hóa các yêu sách lãnh thổ trên lục địa lẫn trên biển, tìm kiếm và duy trì sự ủng hộ tại Liên Hiệp Quốc và các diễn đàn quốc tế khác đối với các chính sách đối ngoại của nước này.
TQ đang nỗ lực dùng các công cụ ngoại giao nhân dân để thuyết phục các quốc gia khu vực rằng TQ là quốc gia láng giềng “hòa bình, hấp dẫn và đáng tin cậy”. Samantha Custer, Giám đốc phụ trách phân tích chính sách của AidData, nhận định sự tập trung cao độ của TQ vào việc thu hút giới tinh hoa kinh tế lẫn chính trị, cũng như trọng tâm triển khai các chương trình ngoại giao tài chính, có thể làm gia tăng rủi ro về sự ảnh hưởng quá mức đối với các nhà lãnh đạo sẵn sàng trao đổi sự đồng thuận của họ để đổi lấy các lợi ích kinh tế với Bắc Kinh.