Trung Quốc 'nổi đóa' việc Mỹ bổ nhiệm điều phối viên Tây Tạng

Hôm 15-10, Trung Quốc cáo buộc Mỹ tìm cách gây bất ổn Tây Tạng sau khi chính phủ Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm một quan chức cấp cao về nhân quyền làm điều phối viên đặc biệt về vấn đề Tây Tạng, theo hãng tin Reuters.

Hôm 14-10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo ông Robert Destro, Trợ lý Ngoại trưởng về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Mỹ sẽ đảm nhận vị trí điều phối viên đặc biệt về các vấn đề Tây Tạng. Vị trí này đã bị bỏ trống từ khi Tổng thống Trump nhậm chức năm 2017.

Mỹ bổ nhiệm ông Robert Destro làm điều phối viên đặc biệt về các vấn đề Tây Tạng. Ảnh: DRL_AS/TWITTER

Ông Pompeo cho hay ông Destro sẽ dẫn đầu các nỗ lực của Mỹ trong việc thúc đẩy đối thoại giữa Trung Quốc và Đạt Lai Lạt Ma hoặc các đại diện của ngài, bảo vệ bản sắc tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ độc đáo của người Tây Tạng và thúc đẩy nhân quyền của họ.

Trung Quốc kiên quyết phản đối động thái này của Mỹ, cho rằng Mỹ đang can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này.

“Các vấn đề Tây Tạng là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không cho phép nước ngoài can thiệp vào” – ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

 “Việc thiết lập cái gọi là điều phối viên về các vấn đề Tây Tạng hoàn toàn là sự thao túng chính trị nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và gây bất ổn Tây Tạng. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này” – ông Triệu nói tiếp.

Quan hệ Mỹ-Trung xấu đi tới mức thấp nhất trong hàng thập niên xoay quanh loạt vấn đề từ thương mại, Đài Loan, nhân quyền cho tới Biển Đông và đại dịch COVID-19.

Trung Quốc kiểm soát Tây Tạng năm 1950 trong những gì nước này mô tả là “cuộc giải phóng hòa bình” giúp khu vực Himalaya xa xôi thoát khỏi quá khứ “phong kiến”.

“Người dân thuộc mọi sắc tộc ở Tây Tạng là một phần của đại gia đình Trung Quốc và kể từ cuộc giải phóng hòa bình, Tây Tạng đã có sự tăng trưởng kinh tế thịnh vượng” – ông Triệu nói.

Ông Triệu nói thêm mọi người dân ở Tây Tạng đều được tự do tôn giáo và quyền lợi của họ được tôn trọng.

Tuy nhiên, các nhà phê bình do nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong Đạt Lai Lạt Ma dẫn đầu nói rằng sự cai quản của Bắc Kinh tại Tây Tạng chẳng khác nào “diệt chủng văn hóa”.

Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Pompeo cho hay Mỹ sẽ áp hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc tham gia quá trình ngăn chặn tiếp cận ngoại giao Tây Tạng và vi phạm nhân quyền. Ông Pompeo nói thêm Washington ủng hộ “quyền tự trị có ý nghĩa” đối với Tây Tạng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm