Đứng trước viễn cảnh bùng nổ cuộc chiến tranh thương mại toàn diện sau khi chính quyền Tổng thống Trump thông báo đánh thuế hơn 50 tỉ USD các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đứng trước áp lực phải trả đũa.
Thị phần hai hãng Boeing và Airbus rượt đuổi nhau tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg
Để biết ông Tập sẽ phản ứng thế nào, có thể nhìn vào chuyến thăm của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đến Bắc Kinh trong tuần này. Ông Philippe nhiều khả năng sẽ cố gắng chốt đơn bán hơn 180 chiếc máy bay Airbus A320.
Đơn hàng 18 tỉ USD này nếu được chốt xong, chắc chắn sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến phía Mỹ rằng Trung Quốc hoàn toàn có lựa chọn hữu hiệu gây tác động mạnh mẽ, tổn hại đến Mỹ.
Theo nhận định của chuyên gia nghiên cứu về ngành hàng không tại Trung tâm thông tin Phát triển Công nghiệp – một viện chính sách do nhà nước quản lý ở Bắc Kinh, Trung Quốc thậm chí cũng có thể ưu tiên lựa chọn máy bay Airbus cho các đơn hàng tương lai.
“Việc dành đơn hàng máy bay lớn cho Airbus sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh đến Mỹ rằng Trung Quốc có nhiều lựa chọn thay thế và không ngại va chạm với Mỹ về vấn đề thương mại”- ông Jin nói.
Chiếc Boeing 747. Ảnh: Telegraph
Ngoài ra, một chiến lược như vậy có thể giúp Trung Quốc gây ra sự chia rẽ sâu sắc hơn nữa trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G7. Các nhà lãnh đạo G7 ở châu Âu và Canada đang cố gắng thích nghi với nhiều thách thức từ một Tổng thống Trump khó đoán định trong nhiều vấn đề từ an ninh cho đến xuất khẩu. Trong tuần trước, Ngoại trưởng Đức kêu gọi các nước châu Âu đoàn kết và lấp vào khoảng trống mà nước Mỹ đã bỏ lại sau khi rút khỏi nhiều thỏa thuận toàn cầu.
Đối với Thủ tướng Philippe, một thỏa thuận với Airbus sẽ giúp ông hoàn thành được nhiệm vụ mà Tổng thống Pháp đã giao phó cho ông sau chuyến thăm của ông đến Trung Quốc vào tháng 1-2018.
Một trợ lý của Thủ tướng Pháp giấu tên tiết lộ, các cuộc đàm phán về hợp đồng mua bán máy bay Airbus đang diễn ra song người này từ chối nói liệu hợp đồng có thể được ký kết vào tuần tới hay không.
Chủ tịch Airbus Guillaume Faury dự kiến cùng đi với phái đoàn của ông Philippe trong chuyến công du bốn ngày tại Trung Quốc vào ngày 25-6, chọn Bắc Kinh là nơi tổ chức lễ ký hợp đồng và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không loại bỏ hoàn toàn Boeing để chuyển sang Airbus. Và chắc chắn Airbus cũng không thể trở thành lựa chọn tất yếu bởi xét đến quan hệ Trung Quốc và Pháp chưa phải đến mức cực tốt.
Boeing A320. Ảnh: BJT Online
Dù Tổng thống Pháp Macron muốn củng cố quan hệ với Trung Quốc nhiều hơn so với những người tiền nhiệm và cam kết mỗi năm sẽ đến Trung Quốc một lần, nhưng cũng trong tháng này, tại hội nghị ở Canada ông khẳng định Trung Quốc không thể gia nhập G7 bởi không chia sẻ nhiều giá trị chung.
Tuy nhiên, với những chính sách mới của ông Trump, Trung Quốc có đủ lý do để nghiêng cán cân về Airbus, Corrine Png, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập của Crutial Perspective Pte., một công ty nghiên cứu chuyên về vận tải có trụ sở tại Singapore, nhận định.
“Chúng tôi dự đoán thị phần Airbus tại Trung Quốc sẽ tăng lên trong thời gian tới” – bà Corrine Png nói.
Trung Quốc là sàn đấu then chốt của hai hãng máy bay Boeing và Airbus khi nước này dự kiến vượt Mỹ trở thành thị trường không vận lớn nhất thế giới vào năm 2020. Hãng Boeing dự đoán Trung Quốc sẽ cần hơn 7.200 phi cơ mới với trị giá hơn 1.000 tỉ USD trong vòng 20, tức từ nay đến đến năm 2036.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày 18-6 thêm nguy hiểm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ theo đuổi một gói thuế quan mới đánh 10% thuế nhập khẩu lên 200 tỉ USD hàng Trung Quốc. Đe dọa này nhằm đáp trả bước đi trả đũa mới đây của Trung Quốc với gói thuế quan thứ nhất của Mỹ đánh 25% thuế nhập khẩu lên 50 tỉ USD hàng Trung Quốc, áp dụng từ ngày 6-7 tới.
Ngày 15-6, ông Trump chính thức đánh thuế 25% lên 50 tỉ USD hàng Trung Quốc, đồng thời cho biết đang chuẩn bị một gói thuế quan thứ hai đánh lên 100 tỉ USD hàng Trung Quốc nếu nước này dám trả đũa gói thứ nhất.
Ngày hôm sau, Trung Quốc thông báo bước đi tương tự, sẽ đánh 25% thuế nhập khẩu lên 50 tỉ USD hàng Mỹ.
Sau bước đi này của Trung Quốc, ông Trump đã tăng gói thuế quan thứ hai lên gấp đôi, từ 100 tỉ USD lên 200 tỉ USD – chính là gói thuế ông vừa thông báo ngày 18-6.
Reuters lo ngại Mỹ và Trung Quốc đang tiến rất gần đến một cuộc xung đột thương mại mở, sau khi các cuộc đàm phán đã không thể giải quyết sự bất mãn của Mỹ về các chính sách công nghiệp, sự thiếu mở cửa thị trường của Trung Quốc, và khoản thiếu hụt thương mại 375 tỉ USD của Mỹ.