Tôi biết anh Hằng mất qua người đàn anh Hồ Nguyễn đăng trên trang xã hội. Anh ra đi ở tuổi 64. Làm nghề gặp anh cũng không nhiều nhưng anh em quý nhau. Tôi thì quý anh từ thời anh còn khoác áo Hải Quan, lúc đó tôi là thằng học trò đâu chừng 9, 10 tuổi thỉnh thoảng được ba chở xuống sân Hội An xem đội Hải Quan đá giao hữu với đội Hội An.
Cựu danh thủ Nguyễn Kim Hằng
Những năm 1980, cũng như Cảng Sài Gòn, Hải Quan là đội được người hâm mộ Quảng Nam- Đà Nẵng rất mến mộ. Khi trong sân vận động Hội An xướng tên đội Hải Quan là cả sân vỗ tay không ngớt, đội trưởng Kim Hằng cũng nhận được những tràng pháo tay như bất tận.
Thường là vào mùa hè, Cảng Sài Gòn cũng như Hải Quan lại có chuyến du đấu ở Quảng Nam- Đà Nẵng.
Chỉ về Quảng Nam- Đà Nẵng không thôi là Hải Quan thường phải đá giao hữu năm trận. Trên quốc lộ 1 từ Nam ra Trung khi đến Quảng Nam- Đà Nẵng là phải đến Tam Kỳ trước, hồi đó các đội đi bằng ô tô.
Đến Tam Kỳ, Hải Quan đá với Ô tô Tam Kỳ, rồi ra Đà Nẵng, thường đá với Đường Sắt Đà Nẵng, cảng Đà Nẵng, rồi vào Hội An đá với Ô tô Hội An, rồi sau đó quay ra lại Đà Nẵng đá với một đội khác nữa, chẳng hạn như Công An Quảng Nam- Đà Nẵng hay Công nhân Quảng Nam Đà Nẵng…gì đó. Công nhân Quảng Nam- Đà Nẵng là đội tuyển chọn của các đội trên địa bàn Quảng Nam- Đà Nẵng.
HLV Nguyễn Kim Hằng (áo trắng)
Những đàn em của anh Kim Hằng lúc đó chính là đội Quảng Nam- Đà Nẵng như anh Phan Thanh Hùng, Trần Minh Toàn, Trương Văn Lợi, Bùi Thông Tuân, Bùi Thông Tân, Phan Công Thìn, Đinh Thanh Trung, Lê Văn Sinh… Lứa các anh trước đó là những anh như Trần Vũ, Thái Long…
Tôi chỉ biết các anh như bao đứa trẻ mê bóng đá vậy thôi, nên kể tên thế hệ của anh Kim Hằng thì không biết nhiều…
Sau này vào Sài Gòn làm nghề thì tôi hay gặp anh. Có lần gọi điện xin gặp anh làm phỏng vấn lúc đó là hình như anh đang làm HLV đội Tiền Giang. Anh chỉ đường vào nhà anh ở đường Nguyễn Thượng Hiền, quận Phú Nhuận, rất gần ngã tư Phú Nhuận. Vào nhà anh, anh bày vài lon bia,…anh em ngồi nhâm nhi…như đã quen biết với nhau lâu lắm rồi vậy. Tôi ngồi được một chút thì chị về.
Anh Hằng: “Chị đó, em chào chị đi”. Lúc đó chị đang làm ở Hải Quan hay Cảng Sài Gòn gì đó. Chị vào nhà lấy ra chai nước suối lạnh uống, ngồi trò chuyện tí rồi chị lại cáo đi vào, "Thôi anh em nói chuyện đi, chị vào chuẩn bị bữa tối, em ở lại ăn cơm với anh chị nhé”. Tôi trả lời dạ chị, cám ơn chị.
Tôi tiếp tục vừa uống bia vừa chuyện trò với anh Hằng rồi sau đó là ăn cơm cùng anh chị… rồi lại ra bàn uống trà và xin phép anh chị ra về.
Trước đó anh Kim Hằng cũng không biết tôi nhiều nhưng anh biết tôi là dân Quảng Nam- Đà Nẵng. Anh hỏi nhiều thông tin về những người bạn rất thân với anh, là người Hội An khi còn đá cho Ô tô Hội An…đó như một lời bảo chứng là “thằng nhóc” này "dân ngoải" chính hiệu. Sau đó, tôi thỉnh thoảng vẫn ghé thăm anh, khi thì uống cà phê, khi thì làm vài chai bia.
Có một lần anh mắc bạo bệnh, tôi vào thăm anh ở bệnh viện 175. Anh nằm dưỡng bệnh đó ít ngày rồi xuất viện, không sao cả. Sau đó về anh còn đi đá banh trở lại.
Sau này những người đồng nghiệp, đúng hơn là những đàn em của anh vào Sài Gòn nhiều lúc là dẫn đội vào đá như anh Trần Vũ, anh Trần Minh Toàn thì vẫn đến nhà thăm anh. Anh Kim Hằng rất thân với thế hệ cầu thủ Quảng Nam- Đà Nẵng vì những mối lương duyên bóng đá thời bao cấp mà những đàn anh biết rõ và trân trọng.
Anh Kim Hằng người gốc Cai Lậy, Tiền Giang mà lại từng ra Đà Nẵng làm HLV đội Đà Nẵng thì tất nhiên phải có lương duyên rồi.
Có thể ngày nay những anh Trần Vũ, Phan Thanh Hùng, Trần Minh Toàn, Phan Công Thìn và nhiều anh khác thuộc thế vệ vàng của bóng đá Quảng- Đà vẫn cập nhật thông tin về anh.
Anh Kim Hằng qua đời, nhất định những người em của anh sẽ quây quần bên anh lần cuối.