Chiều 13-7 (giờ địa phương), cựu Tổng thống Donald Trump bị chảy máu tai và được các mật vụ hộ tống rời khỏi sân khấu tranh cử, đi vào trong xe hơi hộ tống chỉ vài phút sau khi ông có mặt cuộc vận động tranh cử tại TP Butler (bang Pennsylvania) sau một loạt tiếng nổ có thể là tiếng súng, tờ The New York Times đưa tin.
Đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump cho biết cựu Tổng thống vẫn “ổn” sau sự việc. Dù vậy, vụ việc đã gây ra làn sóng chấn động lớn trong giới chính trị Mỹ.
Sự việc ngày 13-7 không phải là lần đầu một sự cố nổ súng xảy ra tại cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ.
Năm 1912, Tổng thống Theodore Roosevelt bị sát thủ bắn vào ngực vài phút trước khi bắt đầu bài phát biểu vận động tranh cử ở TP Milwaukee (bang Wisconsin). Tuy nhiên ông Roosevelt đã may mắn thoát chết nhờ vào bài diễn văn dày 50 trang và hộp đựng kính bằng thép ở túi ngực áo khoác ông.
Dù vậy, ông Roosevelt vẫn cố gắng kết thúc bài phát biểu với một viên đạn bên trong mình.
Ngày 6-6-1968, ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Robert F. Kennedy bị bắn nhiều phát ở TP Los Angeles (bang California). Tay súng bắn ông Kennedy đã bị bắt sau đó nhưng không may ông Kennedy qua đời vào ngày hôm sau.
Ngoài ra, vào năm 2017 Sở Mật vụ đã ngăn chặn một kế hoạch được cho là của một nhánh nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan dòng Sunni tự xưng là Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL) nhằm tấn công ông Trump, theo tờ The Hill.