Từ 15 giờ đến 17 giờ hàng ngày, nhiều người dân khó khăn lại đến “ATM gạo” tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (141-145 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhận gạo.
Được biết, ATM này bắt đầu hoạt động từ chiều 15-4 và đến 17-4, dự kiến mỗi ngày sẽ có khoảng trên 1.000 hoàn cảnh khó khăn đến nhận hỗ trợ. Mỗi phần gạo hỗ trợ là 3 kg.
Người dân đến nhận gạo tại ATM của trường. Ảnh: NTCC
Và hôm nay, 16-4, tiếp tục ngày thứ 2 phát gạo, nhà trường cũng dự kiến số lượng gạo gửi hỗ trợ sẽ đến tay 1.500 hoàn cảnh khó khăn, tương đương 5 tấn gạo.
Theo thống kê từ nhà trường, trong ngày đầu phát gạo, trường đã triển khai các công tác về đảm bảo an ninh, trật tự, đề phòng dịch bệnh theo các tiêu chí mà đơn vị chức năng đặt ra.
Nhà trường cho biết, đây là hoạt động chung tay góp sức từ quý thầy cô là cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên, phụ huynh và các mạnh thường quân, đặc biệt là đối tác của Trường là Công ty Golden Land với sự đóng góp hơn 3 tấn gạo để cùng triển khai hoạt động ý nghĩa, thiết thực này.
Mỗi người dân đến đều được đo thân nhiệt kiểm tra sức khỏe. ẢNH: NTCC
Nhiều người dân nghèo đến nhận gạo và được đứng có khoảng cách với nhau để đảm bảo an toàn phòng dịch (ảnh NTCC)
Song song đó, Nhà trường cũng phối hợp cùng phường 15 (quận Bình Thạnh) trong công tác thông tin đến người dân có hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho công tác này, các phương án phòng dịch bệnh cũng được Nhà trường đặc biệt quan tâm thực hiện như giữ khoảng cách phát – nhận an toàn, đảm bảo trật tự khi triển khai hoạt động, quy định mỗi người dân chỉ được nhận một túi gạo theo quy định.
Ngoài cây “ATM gạo” đã được chuẩn bị sẵn và đặt tại khuôn viên sân trường, nhà trường còn triển khai phương án nếu người dân đến đông sẽ có đội ngũ tham gia phát trực tiếp nhằm giải quyết tốt nhất hoạt động hỗ trợ này, để đảm bảo tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Được biết, trong những ngày qua, câu chuyện về chiếc “ATM gạo” đã lan tỏa khắp nơi vì ý nghĩa nhân văn và mang tính cộng đồng sâu sắc. Tại TP.HCM, Huế, Hà Nội, hoạt động này đã nói lên ý nghĩa thiết thực “tương thân tương ái” trong cộng đồng người Việt. Nghĩa cử cao đẹp này cũng đã lan toả đến bạn bè nhiều nước với sáng kiến của người trẻ Việt trong bối cảnh khó khăn.