Xác nhận thông tin này với PLOvào ngày 9-10, ông Lâm Dũ Hùng, Bí thư Đảng ủy phường 4, cho biết khoảng năm 2012, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk có công văn gửi đường bưu điện về việc xác minh bà Trần Thị Ngọc Ái Sa có chị ruột là Trần Thị Ngọc Ánh đang là đảng viên.
Văn phòng Tỉnh ủy có gửi công văn đề nghị xác minh bà Trần Thị Ngọc Ánh, chị bà "Ái Sa", có phải đảng viên vào năm 2012. Ảnh: HUY TRƯỜNG
“Thời điểm đó, bà Trần Thị Ngọc Ánh là đảng viên Chi bộ Mầm non Anh Đào (Trường Mầm non Anh Đào), trực thuộc Chi bộ Đảng bộ phường 4. Việc gửi công văn xác minh cũng là đúng theo quy định.
Phía địa phương không lưu lại văn bản đã xác minh, mà chỉ xác minh bà Trần Thị Ngọc Ánh có phải là đảng viên, sinh hoạt tại địa phương hay không. Thực tế bà Ngọc Ánh lúc đó là đảng viên, phó bí thư Chi bộ Trường Mầm non Anh Đào nên phường đã có xác nhận như vậy” - ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, theo quy định, nếu trong gia đình có người đã vào Đảng thì coi như đã được làm kê khai, điều tra lý lịch. Trong trường hợp này, bà Sa (ở Đắk Lắk) khai có chị Trần Thị Ngọc Ánh là đảng viên, đang sinh hoạt đảng tại phường 4, TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Từ đó, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk có công văn gửi Đảng ủy phường 4 đề nghị xác minh.
Ông Lâm Dũ Hùng, Bí thư Đảng ủy phường 4, trao đổi với PLO. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Như PLO đã thông tin, trưởng Phòng Quản trị của Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk ngoài cái tên giả lấy từ chị gái còn hai tên gọi khác nữa là Thêm và Thảo.
“Qua làm việc, trưởng phòng Trần Thị Ngọc Ái Sa thừa nhận tên là Trần Thị Ngọc Thảo, lúc nhỏ có tên cúng cơm là Trần Thị Ngọc Thêm. Tuy nhiên, từ nhỏ đến lớn và hiện tên là Trần Thị Ngọc Thảo, lúc nhỏ có tên cúng cơm là Trần Thị Ngọc Thêm" - nguồn tin của PLO ngày 9-10 cho biết.
Khi bà này đi làm thì lấy bằng của chị là Trần Thị Ngọc Ái Sa. "Thật ra Thảo hay Thêm đều là một" - nguồn tin khẳng định.
Trước đó, liên quan đến việc bà trưởng Phòng Quản trị Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk có tên “Trần Thị Ngọc Ái Sa" bị tố là mượn bằng của chị gái để xin việc làm và thăng tiến, phía Văn phòng Tỉnh ủy đã có thông tin đến báo chí về vụ việc.
Theo thông tin, bà trưởng phòng có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (sinh năm 1975), chưa học hết cấp III nhưng đã lấy bằng cấp III của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (là chị ruột) để đi học trung cấp, học liên thông lên đại học và nay đã học đến thạc sĩ, đồng thời kê khai lý lịch cán bộ, công chức không trung thực...
Tuy nhiên, theo tìm hiểu riêng của chúng tôi, trong hồ sơ của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa không có anh em nào tên Trần Thị Ngọc Thảo. Nguồn tài liệu của chúng tôi cho thấy bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (hiện là nữ hộ sinh, làm việc tại BV đa khoa Lâm Đồng) có 12 anh chị em, trong đó người em liền kề của bà Ái Sa tên là Trần Thị Ngọc Thêm (SN 1975, ngụ tại phường 2, TP Đà Lạt, Lâm Đồng).
Ông Lê Văn Tiến, Giám đốc BV Lâm Đồng, cho biết bà Trần Thị Ngọc Ái Sa có người em tên Trần Thị Ngọc Thêm, chứ không phải Thảo. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc BV đa khoa Lâm Đồng, xác nhận tại bệnh viện có nữ hộ sinh tên Trần Thị Ngọc Ái Sa, người này đang xin nghỉ và vẫn chưa đi làm trở lại.
“Bà Ái Sa có người em gái kề tên là Trần Thị Ngọc Thêm, chứ không có em gái nào tên Thảo trong hồ sơ. Bà Thêm sinh năm 1975, ở phường 2, TP Đà Lạt, người này làm tự do. Bà Ái Sa có 12 anh chị em, kể cả bà Sa” - ông Tiến thông tin.
Bà trưởng Phòng Quản trị Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố mượn bằng của chị gái để thăng tiến.
Trong tờ trình của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa cũng thể hiện rõ bà không có người chị em nào tên Trần Thị Ngọc Thảo. “Tên thật của em tôi là Trần Thị Ngọc Thêm, sinh năm 1975. Tôi không cho em tôi mượn bằng tốt nghiệp. Việc em gái tôi sử dụng bằng cấp III của tôi, tôi không biết. Về phần xác minh lý lịch vào Đảng của em tôi, bản thân tôi cũng không hay biết” - bản tường trình của của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa nêu rõ.
Trước đó, bà trưởng Phòng Quản trị Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố cáo là sử dụng bằng tốt nghiệp của chị gái để học trung cấp, đại học từ xa ở Đà Nẵng, học lên thạc sĩ. Người này đã khai không đúng lý lịch về số anh chị em. Bà này đã xin nghỉ việc nhưng chưa được vì đang bị xem xét kỷ luật.