Theo tạp chí Diplomat, giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 5/2014, đã làm leo thang căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, giàn khoan Hải Dương-981 hiện đã di chuyển đến gần đảo Hải Nam để tham gia vào một dự án mới.
Hiện có nhiều chuyên gia đã đưa ra phỏng đoán về việc tại sau Trung Quốc lại rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Một chuyên gia về năng lượng của Trung Quốc chia sẻ với Reuters rằng có thể là giàn khoan này đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trước thời hạn do điều kiện thời tiết trong khu vực này trong vòng 2 tháng qua là rất thuận lợi.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc lợi dụng việc siêu bão Rammansun đang tiến vào Biển Đông để tạo cớ rút giàn khoan nhằm tránh gây thêm căng thẳng với Việt Nam.
Mặc dù vậy nhiều chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc rút giàn khoan chỉ đơn thuần là bởi Trung Quốc cho rằng nước này sẽ chẳng được lợi gì từ việc tiếp tục đặt giàn khoan tại đây sau khi đã đạt được những mục tiêu chiến lược của mình.
Mục tiêu chủ yếu của Trung Quốc là nhằm chứng minh rằng nước này có khả năng tiến hành việc thăm dò dầu khí tại khu vực đảo Hoàng Sa với sự tham gia của lực lượng Hải quân nước này để bảo vệ những giàn khoan hoạt động trái phép của Trung Quốc.
Ngoài ra, thông qua việc này Bắc Kinh cũng thể hiện rằng mình “miễn nhiễm” với những chỉ trích từ bên ngoài về hành động phi pháp của mình cũng như hoàn toàn có thể phớt lờ những cáo buộc của Mỹ và nhiều nước trong khu vực rằng Trung Quốc đang tiến hành những hành động khiêu khích trong khu vực.
Hơn thế nữa, với việc tuyên bố phát hiện ra những bằng chứng về việc có dầu mỏ và khí đốt tại đây, Trung Quốc đã tạo cớ để dễ dàng quay trở lại khu vực này bất kỳ lúc nào.
Phát biểu trước báo giới ngày 16/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) sẽ tiếp tục nghiên cứu những dữ liệu do giàn khoan Hải Dương-981 thu thập và vạch ra một lộ trình cụ thể cho các bước tiếp theo.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, thông qua rút giàn khoan, Trung Quốc đang muốn nỗ lực để cải thiện mối quan hệ với Việt Nam. Đây được coi là một nhiệm vụ khá khó khăn với Trung Quốc nhưng nó sẽ trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”, nếu như dàn khoan Hải Dương -981 vẫn “sừng sững” ở vị trí hiện tại.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc rút giàn khoan là do áp lực từ phía Mỹ dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố rằng việc rút giàn khoan “không liên quan gì tới những yếu tố bên ngoài”.
Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng chính quyền của ông sẽ làm mọi cách để đạt được “Giấc mơ Trung Hoa”- một phần quan trọng trong việc khiến Trung Quốc không còn phải chịu áp lực từ phương Tây như trước nữa.
Chính vì thế, ông Tập sẽ rất khó chịu nếu bị coi là “yếu ớt” trong chính sách ngoại giao của mình và càng không chấp nhận việc bị coi là phải chấp thuận những đòi hỏi của phương Tây.
Điều này buộc Bắc Kinh phải tìm cách khẳng định rằng sẽ không từ bỏ tuyên bố chủ quyền sai trái của mình.
Vì vậy, dù Trung Quốc đã rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhiều chuyên gia vẫn cảnh bảo rằng Trung Quốc sẽ có thêm nhiều hành động khác trên Biển Đông trong tương lai để chứng minh “giấc mơ” của ông Tập./.