TS Đinh Quảng Anh: 'Không phải ngẫu nhiên mà các nước tìm đến Đà Lạt để làm nông nghiệp'

(PLO)- Xu hướng mới phát triển nông nghiệp hiện nay và xu hướng tiêu dùng là tạo ra những sản phẩm an toàn và chất lượng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đà Lạt có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có đặc sản khoai tây được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng.

Tuy nhiên, việc nhiều tư thương mang khoai tây Trung Quốc trộn đất rồi dán tem nhãn giả thương hiệu khoai tây Đà Lạt đã khiến loại nông sản đặc trưng này bị “đánh lận”.

Để chung tay bảo vệ nông sản mang thương hiệu Đà Lạt, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đinh Quảng Anh – Khoa Nông lâm, Trường Đại học Đà Lạt về những nội dung liên quan.

Ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng

. Phóng viên: Tại sao lại có việc người ta làm giả khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt? Nông sản Đà Lạt nói chung và khoai tây Đà Lạt có gì đặc sắc để người ta phải làm giả?

dinh-quang-anh-1.jpg
Tiến sĩ Đinh Quảng Anh - Đại học Đà Lạt. Ảnh: VÕ TÙNG

+ Tiến sĩ Đinh Quảng Anh: Có thể nói Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi, có điều kiện khí hậu và điều kiện thổ dưỡng rất tốt để phát triển nông nghiệp.

Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản hay kể cả Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã đầu tư vào nông nghiệp ở khu vực Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung; để sản xuất dâu tây, dưa lưới và những loại nông sản có giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, biến đổi khí hậu và sản xuất nông nghiệp có tác động rất lớn nên việc sản xuất nông nghiệp làm sao để đảm bảo được giá trị và thương hiệu.

Chính vì vậy, việc khoai tây của Trung Quốc đưa đến Đà Lạt và trộn đất Đà Lạt cho thấy điều đó ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng cũng như người nông dân sản xuất khoai tây ở Đà Lạt nói riêng và người sản xuất nông nghiệp ở Đà Lạt nói chung, như báo Pháp Luật TP.HCM có loạt bài phóng sự trong những ngày gần đây.

Xét về yếu tố tự nhiên và yếu tố con người, có thể nói nông dân ở Đà Lạt rất có kinh nghiệm trong việc canh tác và sản xuất nông nghiệp.

Thứ nhất, về nhiệt độ, khí hậu tự nhiên, thì Đà Lạt là nơi có biên độ hoạt động rất phù hợp cho việc sản xuất nông sản đặc biệt là khoai tây phục vụ cho khu vực Đà Lạt và các vùng lân cận.

Thứ hai, về chất đất với điều kiện là đất đỏ vùng Đà Lạt và Lâm Đồng, khoai tây Đà Lạt đạt tốt về chỉ tiêu hàm lượng tinh bột, về chất lượng kết cấu của khoai khi chế biến. Chính vì vậy thị trường rất ưa chuộng mặt hàng khoai Đà Lạt.

Và đặc biệt khoai Đà Lạt không phải mùa nào cũng sản xuất được, vì điều kiện khí hậu ở Đà Lạt chỉ có mùa khô và mùa mưa, sản xuất chủ yếu là vào mùa khô, khoảng từ tháng 9 đến tháng 12 nông dân bắt đầu trồng, sau khi thu hoạch thì bảo quản được khoảng vài tháng.

Khi thời điểm mùa mưa, việc thiếu hụt khoai Đà Lạt đối với thị trường đặc biệt là khu vực TP.HCM, miền Tây và miền Đông Nam Bộ rất phổ biến. Do đó, một số người lợi dụng khoảng thiếu đó đã nhập khoai ở Trung Quốc về và trộn với đất ở Đà Lạt, đó cũng là nguyên nhân chính.

. Trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy, đặc biệt tiến sĩ có khoảng thời gian nghiên cứu sinh ở Đức, tiến sĩ thấy ở các nước tiên tiến, người nông dân họ giữ gìn và bảo vệ thương hiệu nông sản của họ như thế nào?

+ Mình có khoảng thời gian gần 5 năm học tập và sinh sống Ở Đức. Mình đã quan sát và được tham gia rất nhiều chương trình liên quan đến phát triển nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và nông nghiệp công nghệ cao.

Mình thấy mối liên kết giữa người nông dân và các hệ thống siêu thị rất bền chặt. Nông sản của người nông dân ở bên Đức được làm với một số lượng rất là lớn sẽ có ký kết trực tiếp giữa người nông dân hoặc cùng lắm là có một bên trung gian sẽ đưa trực tiếp sản phẩm vào siêu thị cho người tiêu dùng. Việc minh bạch về thông tin và quản lý chất lượng hầu như là nắm bắt được hết.

Trong khi đó, ở Việt Nam và ở Lâm Đồng nói riêng, mối liên hệ đó đang còn khá lỏng lẻo. Chúng ta còn phụ thuộc vào khâu trung gian trong việc đưa nông sản đến với người tiêu dùng.

. Thưa tiến sĩ, bạn đọc của báo Pháp Luật TP.HCM rất quan tâm đến vấn đề chất tồn dư bảo vệ thực vật trong khoai tây của Trung Quốc so với khoai tây của Đà Lạt. Vậy tiến sĩ có thông tin hay đánh giá, nhận định về vấn đề này không?

Đôi khi rất nhiều khâu trong một chuỗi đó đã làm sản phẩm không đi đúng mục đích mà thị trường mong muốn. Chính vì vậy, mới có tình trạng nhập nhằng về việc đưa những sản phẩm không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc về Việt Nam.

Sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch

+ Để có thể nói được chính xác về dư lượng của thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng về phân bón hoặc các chất bảo quản kích thích sinh trưởng trong quá trình nhập từ Trung Quốc về so với khoai tây Đà Lạt, cần có những kiểm nghiệm mang tính chính xác đảm bảo yếu tố khoa học mới có thể khẳng định được điều đó.

Nhưng có một câu hỏi đặt ra là khoai tây từ Trung Quốc nhập về lại có giá rẻ như vậy và việc trộn đất để đội lốt trở thành khoai tây Đà Lạt là một dấu hỏi lớn cần sự tham gia của các cơ quan chức năng.

Việc này cần tiến hành lấy mẫu phân tích để có những đánh giá chi tiết về chất lượng của khoai tây Trung Quốc. Theo quan điểm của tôi, không phải ngẫu nhiên mà người ta lại phải gian lận như vậy. Có thể có những cái mình chưa đánh giá hết được về dư lượng cũng như những vấn đề khác trong sản phẩm và đặc biệt ở đây là khoai tây nhập về.

. Tiến sĩ có góp ý gì cho nông dân đang trồng khoai tây ở vùng Đà Lạt nói chung và vùng phụ cận trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Để có một cạnh tranh bền vững với khoai tây được nhập về từ các quốc gia khác trong đó có Trung Quốc?

+ Có thể nói nông dân Đà Lạt có rất nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là sản xuất khoai tây.

Xu hướng mới phát triển nông nghiệp hiện nay và xu hướng tiêu dùng là tạo ra những sản phẩm an toàn và chất lượng. Trong đó, xu hướng sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch bảo đảm sức khỏe.

Khoai tây Đà Lạt có thể mang đến giá trị chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Bản thân người dân khi sử dụng những sản phẩm chất lượng từ Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng cho dù có bất kỳ sự trộn lẫn nông sản khác vào thì người ta vẫn nhận biết được nông sản Đà Lạt chất lượng như này và khi sử dụng những nguồn nông sản khác người tiêu dùng sẽ biết ngay.

Nông dân Đà Lạt và các vùng lân cận chỉ có canh tác một cách bền vững và làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường gắn với sự thay đổi của biến đổi khí hậu, gắn với lợi ích, gắn với sự hài hòa giữa người sản xuất và người tiêu dùng thì mới tạo ra được sự bền vững.

. Tiến sĩ có thể đưa ra một giải pháp cùng chung tay bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt?

+ Theo quan điểm của mình thì ngoài việc các cơ quan quản lý cần sát sao hơn, có những giải pháp để xây dựng thương hiệu nông sản của Đà Lạt của Lâm Đồng thì bản thân người sản xuất phải sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, làm sao để sản phẩm mà người nông dân làm ra luôn có chất lượng tốt nhất đảm bảo đến tay người tiêu dùng.

Sinh viên chung tay xây dựng thương hiệu nông sản Việt

Các em sinh viên Khoa Nông lâm - Đại học Đà Lạt sau này sẽ tham gia vào các chuỗi sản xuất ở Đà Lạt, ở tỉnh Lâm Đồng hoặc cũng có thể là trên toàn quốc.

Những kiến thức mà các bạn đã học được ở trường sẽ giúp ích ngay trong gia đình của các bạn ấy về sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sạch.

Từ những kiến thức các bạn ấy học được, các bạn sẽ tìm ra được các giải pháp để xây dựng giá trị các sản phẩm nông sản mang tính chất đặc trưng của Lâm Đồng.

Hy vọng những thay đổi từ các bạn sinh viên sau khi ra trường sẽ mang lại những giá trị lâu dài để cùng chung tay xây dựng thương hiệu cho nông sản Đà Lạt.

(Tiến sĩ ĐINH QUẢNG ANH, Khoa Nông lâm, Trường Đại học Đà Lạt)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm