Khoai tây Trung Quốc giả khoai Đà Lạt: Lừa dối người tiêu dùng

(PLO)- Khoai tây Trung Quốc trộn đất đỏ, giả khoai tây được trồng tại Đà Lạt là hành vi gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Khoai tây Trung Quốc nhuộm đất đỏ để giả khoai tây được trồng tại Lâm Đồng là lừa dối người tiêu dùng, làm mất uy tín của thương hiệu rau, củ, quả của tỉnh Lâm Đồng khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến quay lưng với nông sản của tỉnh này…”. Bà Nguyễn Thùy Quý Tú, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường tỉnh Lâm Đồng, nói về việc các chủ vựa nhuộm đất đỏ, dán nhãn giả khoai tây Đà Lạt mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh.

Bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt

. Phóng viên: Bà có nhận định gì việc các vựa nông sản nhuộm đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc giả nông sản Đà Lạt mà Pháp Luật TP.HCM đang phản ánh.

+ Bà Nguyễn Thùy Quý Tú (ảnh), Khoai tây cũng như các loại nông sản khác được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các quốc gia, vùng lãnh thổ khác phải đảm bảo quy định về hồ sơ, thông tin xuất xứ, thủ tục nhập khẩu liên quan theo quy định (hóa đơn hàng hóa, kiểm dịch thực vật nhập khẩu, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật).

p5_nhanvat_khoai_tay_trung_quoc_ttam.jpg

Nếu là khoai tây Trung Quốc mà các cơ sở kinh doanh sử dụng đất đỏ, dán nhãn giả khoai tây được trồng tại Đà Lạt thì đây là hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả và là hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng doanh nghiệp chân chính, người nông dân sản xuất...

. Bà có thể nói rõ hơn về hệ quả của việc giả thương hiệu nông sản Đà Lạt?

+ Chất lượng của các nông sản nhập khẩu không đảm bảo là yếu tố làm mất uy tín của thương hiệu rau, củ, quả của tỉnh Lâm Đồng khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến quay lưng với nông sản của tỉnh này.

Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ Đà Lạt, Lâm Đồng khiến hàng hóa được sản xuất tại tỉnh không cạnh tranh được, suy giảm doanh thu.

Nông sản Đà Lạt là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng, có thương hiệu, kết tinh kỳ diệu từ đất lành lâu nay… Nhắc đến các thương hiệu này trên thị trường trong và ngoài nước là nhắc đến chất lượng sản phẩm.

p5_chinh_khoai_tay_trung_quoc_ttam.jpg
Một số vựa nông sản ở Lâm Đồng nhuộm đất đỏ Đà Lạt dán nhãn giả thương hiệu.
Ảnh: M.HẬU-T.SANG

Do vậy, các sản phẩm này có chất lượng cao thường có giá trị kinh tế cao hơn so với các sản phẩm nông sản cùng loại của các vùng sản xuất khác trong nước. Cũng như khoai tây một số nước, trong đó có khoai tây Trung Quốc.

Cần nắm rõ về mùa vụ khoai tây Đà Lạt

. Có cách nào để người tiêu dùng dễ dàng phân biệt được khoai tây Trung Quốc với khoai tây Đà Lạt không, thưa bà?

+ Khoai tây Đà Lạt thịt chắc, ăn thơm ngon và mẫu mã đẹp hơn khoai tây Trung Quốc. Ngoài ra, khoai tây và hầu hết các loại nông sản Đà Lạt được trồng theo mùa, không sản xuất được quanh năm nên có tình trạng vào những giai đoạn trái mùa thì giá cao hơn rất nhiều so với vụ chính.

Vì cung không đủ cầu nên giá nông sản Đà Lạt thường cao hơn rất nhiều so với nông sản nhập từ Trung Quốc.

khoai-tay-trung-quoc-sau-khi-tron-dat-dalat.png
Khoai tây Trung Quốc tưới nước, nhuộm đất đỏ Đà Lạt để đánh lừa người tiêu dùng

Khoai tây Đà Lạt chính vụ gieo trồng tập trung giai đoạn tháng 9 đến tháng 12, sau thu hoạch thường bảo quản được khoảng ba tháng, tức kéo dài đến khoảng tháng 7, tháng 8 hằng năm thì không còn khoai tây Đà Lạt.

Đây cũng là thời điểm khoai tây Trung Quốc nhập khẩu về nhiều, giá thấp và nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh lợi dụng thương hiệu khoai tây Đà Lạt để thực hiện các hành vi gian lận thương mại nhằm thu lợi bất chính.

Để bảo vệ quyền lợi người nông dân trồng khoai tây trên địa bàn, cần phải thông tin đến người tiêu dùng việc nhập khẩu khoai tây Trung Quốc về thị trường Việt Nam khi mùa khoai tây trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã hết.

Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng thường xuyên cập nhật sản lượng và giá cả sản phẩm nông sản của tỉnh trên các website như https://snnptnt.lamdong.gov.vn; https://nongsandalatlamdong.vn... trong đó có sản phẩm khoai tây cũng như hướng dẫn phân biệt khoai tây Đà Lạt, khoai tây Trung Quốc.

Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động kiểm soát nông sản nhập khẩu, lấy mẫu giám sát, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản nhập khẩu cũng như tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ.

Sở cũng triển khai Đề án thí điểm nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt nhằm nâng cao chất lượng quản lý về nguồn gốc nông sản, giảm thiểu tình trạng gian lận thương mại, gian lận về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Thực tế, việc làm giả nông sản Đà Lạt ngày càng phức tạp và tinh vi, các sản phẩm bị làm giả, làm nhái trải đều ở tất cả lĩnh vực, các biện pháp việc kiểm tra, xử lý vi phạm chỉ giải quyết được phần ngọn, còn nội dung rất quan trọng là việc tuyên truyền để người dân, người mua hàng biết cách phòng tránh, từ đó ngăn ngừa và đẩy lùi vấn nạn này…

. Xin cảm ơn bà.

Nhiều chợ “cấm cửa” kinh doanh nông sản ngoài địa phương

Từ năm 2018, sau khi có thông tin nông sản Trung Quốc đội lốt nông sản Đà Lạt, UBND TP Đà Lạt đã có văn bản nghiêm cấm đưa nông sản ngoài địa phương vào chợ nông sản Đà Lạt, kể cả sơ chế.

Trong năm 2022, 2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra nông sản nhập khẩu vào tỉnh Lâm Đồng.

Tại ban quản lý chợ đầu mối Đà Lạt, Đức Trọng, các ban quản lý đã thắt chặt không cho phép các tiểu thương buôn bán tại chợ đầu mối nhập nông sản Trung Quốc về buôn bán tại chợ.

Việc nhập nông sản Trung Quốc chủ yếu diễn ra tại hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng. Nông sản nhập về có hóa đơn, chứng từ phù hợp với tên, địa chỉ của cơ sở, hàng hóa trước khi nhập khẩu đều có kiểm dịch thực vật trước khi thông quan và tiêu thụ nội địa. Cơ quan chức năng đã tiến hành lấy 12 mẫu nông sản nhập khẩu đều không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Tại chợ đầu mối nông sản Đức Trọng, hiện chỉ có một số vựa đối diện chợ có nhập nông sản Trung Quốc về để phân phối nhưng không có hành vi trộn đất.

Theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa thì nông sản không bắt buộc phải ghi nhãn. Hành vi trộn đất vào khoai tây Trung Quốc hiện nay cũng chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm