Từ 1-7 lương hưu, trợ cấp được tăng thêm 2 mức

(PLO)- Từ ngày 1-7, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng sẽ được tăng thêm hai mức là 12,5% và 20,8%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2023 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng (thay thế cho Nghị định 108/2021).

Theo đó, nội dung đáng chú ý trong nghị định này là Chính phủ đã điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng tăng theo hai mức là 12,5% và 20,8%. Mức lương hưu điều chỉnh tăng thêm được áp dụng kể từ ngày 1-7. Những thay đổi về chính sách trên đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc trong tuần qua.

Tăng lương hưu thêm 20,8%

Theo Nghị định 42/2023, sẽ có hai mức tăng thêm, thứ nhất tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng hiện tại áp dụng cho những người đã được điều chỉnh theo Nghị định 108/2021 (đợt điều chỉnh tăng lương hưu năm 2022, với mức tăng thêm 7,4%). Mức lương hưu từ tháng 7 sẽ bằng mức lương hưu tháng 6 nhân với hệ số 1,125.

Thứ hai là tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng hiện tại (tháng 6-2023), áp dụng đối với những người chưa được điều chỉnh tăng lương hưu năm 2022 theo Nghị định 108/2021. Mức lương hưu từ tháng 7 sẽ bằng mức lương hưu tháng 6 nhân với hệ số 1,208.

Còn đối với những người nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng từ ngày 1-1-1995, sau khi được điều chỉnh mà có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng dưới 3 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh lại. Cụ thể như người có mức lương hưu dưới 2,7 triệu đồng/người/tháng, được tăng thêm 300.000 đồng. Người có mức lương từ 2,7 triệu đồng đến dưới 3 triệu đồng thì sẽ được tăng lên bằng 3 triệu đồng.

Về mức hưởng trợ cấp hằng tháng cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế, đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động, theo quy định hiện nay tại Văn bản 1699 năm 2015 của BHXH Việt Nam mức hưởng trợ cấp hằng tháng là 790.412 đồng/tháng.

Người dân đến làm thủ tục BHXH tại cơ quan BHXH TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Người dân đến làm thủ tục BHXH tại cơ quan BHXH TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Như vậy, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng từ tháng 7 sẽ được tăng lên theo hai mức như quy định trên. So với mức lương hưu được quy định tại Nghị định 108/2021 (đợt điều chỉnh lương hưu năm 2022) thì lương hưu mới sẽ được tăng lên đến 3 triệu đồng thay vì 2,5 triệu đồng như hiện hành.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tổng kinh phí tăng thêm cho lần điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ ngày 1-7 (tính tới hết năm) là trên 12.600 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước tăng thêm hơn 2.982 tỉ đồng, Quỹ BHXH tăng thêm hơn 9.675 tỉ đồng.

Năm 2022, cả nước có 4,94 triệu người cao tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng. Trong đó, 2,7 triệu người hưởng lương hưu; 640.000 người hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng; hơn 1,7 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Các nhóm đối tượng được tăng lương hưu

Về đối tượng áp dụng theo Nghị định 42/2023, mức điều chỉnh được áp dụng đối với các nhóm đối tượng gồm: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.

Cụ thể như cán bộ xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định 92/2009, Nghị định 34/2019, Nghị định 121/2003 và Nghị định 9/1998.

Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000 và Quyết định 613/2010 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 206/1979 của Hội đồng Chính phủ.

Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 130/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định 111/1981 của Hội đồng Bộ trưởng.

Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ của quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương.

Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 53/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ của cán bộ, chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có dưới 20 năm công tác trong công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.

Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 62/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng và người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng trước ngày 1-1-1995.

Chính sách an sinh gắn với tăng lương cơ sở

Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư (LS) Lê Văn Bình, Đoàn LS TP.HCM, cho biết ngày 11-11-2022, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, đồng ý tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%) từ ngày 1-7-2023.

Như vậy, có thể thấy cùng với mức tăng lương cơ sở thì Chính phủ cũng đã điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng cho người dân với mức tăng tương xứng. Điều này thể hiện các khoản hỗ trợ, chi trả cho chính sách an sinh hiện nay đang gắn liền với mức lương cơ sở.

LS Bình đánh giá việc mức lương cơ sở tăng sẽ kéo theo tăng mức hưởng của các loại trợ cấp, phụ cấp của người lao động. Ví dụ như tăng mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới sáu tháng tuổi; tăng mức trợ cấp một lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tăng mức thanh toán trực tiếp cho người có thẻ BHYT… góp phần nâng cao chăm lo an sinh xã hội cho người dân.

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm