Tủ lạnh tưởng chừng như là nơi bảo quản thực phẩm an toàn nhất nếu muốn dự trữ hoặc để thực phẩm qua đêm. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng tủ không đúng cách, có thể khiến thực phẩm bị hư hỏng gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho người dùng.
Cục An toàn thực phẩm (VFA), Bộ Y tế cho biết, trong tủ lạnh kể cả ở ngăn đông, vi khuẩn không chết mà chỉ phát triển chậm lại hoặc ngừng phát triển, do đó các độc tố của chúng cũng không bị phá hủy.
"Thực tế chúng chỉ tạm thời "ngủ yên", đợi khi ra khỏi tủ lạnh, gặp điều kiện nhiệt độ bình thường trong nhà ở hoặc nhiệt độ của cơ thể con người, sẽ tỉnh táo trở lại phát triển và hoạt động bình thường"- VFA nêu rõ.
Như vậy, nếu thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh đã có vấn đề như thức ăn nấu sẵn đã bị nhiễm khuẩn, thịt, cá, trứng.. không phải là loại thật tươi, sữa đã có vi khuẩn có hại... thì nhiệt độ của tủ lạnh cũng không thể khống chế được vi khuẩn và độc tố của chúng có sẵn trong thực phẩm.
Việc tích trữ không đúng cách, có thể khiến thực phẩm bị hư hỏng hoặc giảm chất lượng dinh dưỡng. Ảnh: Hạ Quyên
Ngoài ra việc đóng gói quá nhiều thức ăn cũng có thể khiến cho luồng không khí mát di chuyển xung quanh thực phẩm bị cản trở dẫn đến thực phẩm của bạn có thể không được làm lạnh đúng cách dễ dẫn đến ôi thiu.
"Do vậy, cần sử dụng nhiệt kế tủ lạnh, đặt trong phần ấm nhất của tủ lạnh, và kiểm tra nhiệt độ không khí sau 24 giờ. Thực phẩm nên được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ ít nhất 37ºF tức hơn 2 độ C hoặc thấp hơn để tránh vi khuẩn phát triển. Nếu nhiệt độ không khí cho thấy cao hơn 2,5 độ C hãy điều chỉnh điều khiển làm mát của tủ lạnh cho phù hợp"- VFA khuyến cáo.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên dọn dẹp tủ lạnh thường xuyên, sử dụng khăn lau mềm và sạch để vệ sinh tủ lạnh, giảm thiểu lây nhiễm chéo cho thực phẩm.