TAND TP.HCM đang mở phiên xét xử sơ thẩm 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Trong hai ngày làm việc (18 và 19-7), đại diện VKS đã công bố được 84/341 trang cáo trạng về hành vi phạm tội của các bị cáo.
Theo cáo trạng, ngày 26-10-2022 và ngày 28-10-2022, khi tuần tra, kiểm soát, tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.HCM (PC08) phát hiện 2 xe ôtô 50H-100.20 và 51D-325.89 có dấu hiệu cơi nới thành thùng nên đã cho dừng phương tiện để kiểm tra.
Đối với xe ôtô 50H-100.20, kết quả đo kích thước thành, thùng xe trùng khớp với Giấy chứng nhận kiểm định do Trung tâm đăng kiểm 62-03D (Long An) cấp nhưng chêch lệch đối với thông số kỹ thuật của xe trên cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đối với xe ô tô biển số 51D-325.89, kết quả đo kích thước thành, thùng xe có sự chênh lệch so với thông số trên Giấy chứng nhận kiểm định.
Nhận thấy sự việc nêu trên có dấu hiệu phạm tội, Phòng PC08 đã chuyển nguồn tin về tội phạm đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để điều tra xác minh làm rõ.
Quá trình xác minh nguồn tin, xác định xe ôtô 50H-100.20 được NDD mua lại từ bị cáo Nguyễn Thành Trung. Qua làm việc, Trung khai nhận đã chi tiền hối lộ thông qua bị cáo Nguyễn Chí Thành cho Trung tâm 62-03D để được làm Giấy chứng nhận kiểm định theo kích thước thành, thùng xe đúng với thông số đã được cơi nới.
Ngày 23-11-2022, CQĐT khám xét khẩn cấp Trung tâm Đăng kiểm 62-03D do Trần Lập Nghĩa làm giám đốc. Kết quả khám xét đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến sai phạm tại trung tâm.
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã điều tra, xác định hành vi phạm tội có tổ chức xuyên suốt từ Cục Đăng kiểm Việt Nam đến các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại TP.HCM và các địa phương trên cả nước. Kết quả điều tra đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 254 bị can về 11 tội danh.
Các bị cáo từ lãnh đạo Cục; lãnh đạo, đăng kiểm viên, cán bộ các Phòng, trung tâm và các chi cục đăng kiểm đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, cố ý làm trái các quy định, móc nối với các doanh nghiệp, chủ phương tiện thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật.
Trong thời gian giữ chức cục trưởng, Trần Kỳ Hình đã bỏ qua các sai phạm trong hoạt động trung tâm đăng kiểm và nhận tiền hối lộ hơn 7,1 tỉ đồng. Bị cáo Hình lợi dụng chức vụ quyền hạn khi duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện.
Nối tiếp sai phạm, người kế nhiệm chức cục trưởng là Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ 40,2 tỉ đồng của các đơn vị sai phạm trong hệ thống đăng kiểm. Bị cáo Hà hưởng lợi gần 9 tỉ đồng.
Đối với bị cáo Trần Lập Nghĩa được xác định là giám đốc hoặc thuê người làm giám đốc tại các trung tâm đăng kiểm thuộc khối tư nhân (khối D) trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam: 62-03D (Long An), 71-02D (Bến Tre), 83-02D (Sóc Trăng), 84-02D (Trà Vinh) và 66-02D (Đồng Tháp).
Theo cáo buộc, Trần Lập Nghĩa chỉ thuê lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên để nhận hối lộ; ký giả chữ ký của các đăng kiểm viên không có thật, mặc đồ đóng giả đăng kiểm viên; xâm nhập thay đổi kết quả vòng quay động cơ, thời gian gia tốc của phần mềm đánh giá, kiểm tra để điều chỉnh kết quả của 678 phương tiện đăng kiểm. Những người Nghĩa thuê đều làm thực hiện theo chỉ đạo và hưởng lương. Nghĩa thụ hưởng toàn bộ số tiền phạm tội mà có.
Tổng số tiền Trần Lập Nghĩa đã hưởng lợi từ việc nhận hối lộ là 2 tỉ đồng và hành vi trái pháp luật giả mạo công tác, xâm nhập mạng máy tính là hơn 12 tỉ đồng, tổng cộng 14,7 tỉ đồng.
Đối với hành vi Nghĩa đưa hối lộ cho Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà để cấp mã số cho trung tâm và tiền hối lộ tại trung tâm hàng tháng, do Nghĩa có đơn tố cáo, tự tố giác hành vi phạm tội trước khi bị phát hiện nên CQĐT không xử lý về hành vi đưa hối lộ.