Không phải đợi đến khi được tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) mà ở bất cứ nơi nào có thể, cùng việc bày tỏ những bức xúc ắt phải có từ những đảng viên lẽ ra chức càng cao thì càng phải là những hình mẫu trong Đảng về việc chấp hành pháp luật nhưng đã làm ngược lại, các cử tri-người dân luôn đòi hỏi việc chịu trách nhiệm thỏa đáng... Ấy thế mà trong nhiều trường hợp sai phạm đã xảy ra, hai yêu cầu “kịp thời, tương xứng” trong xử lý đã chưa được đảm bảo.
Vụ vi phạm của hai đảng viên từng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (gồm có bà Phan Thị Mỹ Thanh, cựu phó bí thư Đồng Nai và ông Nguyễn Xuân Anh, cựu bí thư TP Đà Nẵng) là hai minh họa cho sự chưa đảm bảo nói trên.
Ngày 4-5, dựa vào tờ trình ngày 27-4 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) kết luận tổng các vi phạm của bà Mỹ Thanh là rất nghiêm trọng, Ban Bí thư đã cách hết các chức vụ trong Đảng của bà. Đến 10 ngày sau (14-5), Ủy ban Thường vụ QH đã cho bà thôi nhiệm vụ ĐBQH (chứ không phải là bãi nhiệm ĐBQH như đề nghị của Ban Bí thư). Tính ra, phải mất 10 tháng kể từ lúc UBKTTƯ có quyết định kỷ luật đối với các vi phạm được phát hiện lần thứ nhất vào tháng 6-2017 (và thực tế còn lâu hơn thế kể từ lúc các vi phạm bị lộ dần) thì số phận chính trị của bà Mỹ Thanh mới được định đoạt.
Quá trình xử lý kéo dài như thế khiến sự bức xúc trong dân dễ lên đến đỉnh điểm khi bà Mỹ Thanh với tư cách là trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai vẫn đi tiếp xúc cử tri bình thường ở Biên Hòa vào ngày 3-5 và ở huyện Long Thành, Nhơn Trạch vào trước đó. Tức vào thời điểm tuy chưa có án kỷ luật cuối cùng nhưng bà vẫn đang nhận án cảnh cáo của UBKTTƯ. Các cử tri đã phản ứng gay gắt vì cho rằng với chuỗi sai phạm của mình thì bà không còn xứng đáng là ĐBQH, không còn đủ tư cách để phát biểu bất cứ vấn đề gì trước cử tri!
Từng rơi vào tình huống rất không hay tương tự nhưng ông Xuân Anh đã không điềm nhiên đối diện với các cử tri như kiểu của bà Mỹ Thanh. Đầu tháng 10-2017, với những vi phạm nghiêm trọng, ông Xuân Anh đã bị Ban Chấp hành Trung ương cách chức bí thư Đà Nẵng… và cho thôi chức ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đến cuối tháng 11-2017, ông mới bị bãi nhiệm chức vụ chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng. Trong gần hai tháng “nhạy cảm” ấy, ông đã có mấy lần cáo vắng không gặp gỡ cử tri như thể tự biết mình không còn mặt mũi nào đứng trước dân và không muốn có thêm lần nào nữa sự xúc phạm người dân.
So với quy định cũ thì Quy định 102 ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị đã có nhiều thay đổi để quy trình xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đạt được sự thận trọng, chặt chẽ, chính xác. Quy định này đã yêu cầu các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội trong hạn định (30 ngày làm việc) kể từ ngày quyết định kỷ luật về Đảng được công bố phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có). Thế nhưng quy định này lại không đề ra thời hạn cụ thể tính từ lúc hành vi vi phạm bị phát hiện hoặc tính từ lúc có kết luận kiểm tra hay đề nghị thi hành kỷ luật để các UBKT và các cơ quan đảng có thẩm quyền tiến hành xem xét, kết luận sai phạm và ban hành hình thức kỷ luật. Quy định 102 tất nhiên không can thiệp thời hạn xử lý của QH hoặc HĐND các cấp đối với các ĐB dính phốt nặng và hiện chưa có văn bản khác điều chỉnh việc này.
Hệ lụy là người dân có thể thấy chậm nhiều tuần, nhiều tháng nhưng các cơ quan đảng, QH… thì không thấy chậm. Có nhiều trường hợp gây thắc mắc vì tuy đã có kết luận kiểm tra chi tiết của UBKT nhưng chỉ có một số người bị kỷ luật, một số người khác chưa rõ bao giờ mới có như vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG gần đây.
Để những đảng viên cấp cao vi phạm từ nghiêm trọng trở lên không bị khó ăn nói với các cộng sự, cấp dưới và đặc biệt là với dân, có lẽ thay vì để họ tự chọn lựa cách xử sự thiếu thống nhất thì các quy định của Đảng, của QH nên xem xét bổ sung biện pháp tạm ngưng công tác, tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH… trong thời gian họ chờ án kỷ luật. Đồng thời, thời hạn xử lý kỷ luật, áp dụng các hình thức chế tài khác cần được lượng hóa để mọi người cùng biết đường đợi, giảm thiểu những ngờ vực, đồn đoán.
Chưa có trình tự để cử tri bãi nhiệm ĐBQH Trong việc bãi nhiệm ĐBQH, Luật Tổ chức QH 2014 cũng có quy định không khác luật cũ. Đó là ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban Thường vụ QH quy định. Tuy nhiên, cho đến nay Ủy ban Thường vụ QH vẫn chưa quy định trình tự để cử tri bãi nhiệm ĐBQH. |