Từ vụ tai nạn xe Thành Bưởi: Nhiều lỗ hổng trong quản lý xe hợp đồng

(PLO)- Các hãng xe hợp đồng còn nhiều vấn đề cần phải xem xét lại để đảm bảo an toàn giao thông và môi trường cạnh tranh vận tải lành mạnh.

Sau vụ xe của hãng Thành Bưởi gây tai nạn thảm khốc tại Đồng Nai khiến chín người thương vong, dư luận không khỏi giật mình vì việc quản lý xe hợp đồng hiện nay còn quá nhiều lỗ hổng. Nếu không quản lý chặt hình thức này thì sẽ còn tiếp tục xảy ra những câu chuyện đáng tiếc.

Thiếu hậu kiểm

Hãng xe Thành Bưởi hiện nay hoạt động theo hình thức xe hợp đồng, ngoại trừ một tuyến duy nhất cố định tại Bến xe Miền Tây. Theo Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT, xe hợp đồng sẽ do nhà xe tự kiểm tra, giám sát về vấn đề an toàn giao thông, phương tiện trước, trong và sau quá trình vận chuyển.

xe - tai - nạn.jpg
Tài xế xe Thành Bưởi gây tai nạn tại Đồng Nai trong thời gian bị tước bằng lái 3 tháng, nhưng nhà xe vẫn bố trí để tài xế này điều khiển phương tiện. Ảnh VŨ HỘI

Ngoài ra tài xế phải đủ điều kiện về sức khoẻ cũng như các giấy tờ có liên quan như giấy phép lái xe, bảo hiểm… Vụ tai nạn vừa rồi ở Đồng Nai, tài xế gây tai nạn dù trước đó đã bị Công an tước bằng lái ba tháng nhưng nhà xe này vẫn để tài xế này vô tư cầm lái.

Như vậy, với xe hợp đồng, nếu nhà xe không chủ động kiểm tra, hoặc chỉ kiểm tra cho có, hoặc kiểm tra có thiếu sót nhưng vẫn bố trí cho phương tiện và tài xế xe chạy vì mục đích lợi nhuận thì cũng không có đơn vị hậu kiểm.

Trong khi đó, theo Phòng Quản lý điều hành, Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới, Thông tư 12 quy định rõ, các đơn vị kinh doanh vận tải (tuyến cố định, buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, container) phải có bộ phận an toàn giao thông, thực hiện công tác kiểm tra phương tiện trước, trong và sau quá trình vận chuyển.

Cũng tại Thông tư này, các tuyến cố định tại bến sẽ được kiểm tra hai lần trước khi xuất bến. Một lần là doanh nghiệp vận tải tự kiểm tra, một lần do bến xe kiểm tra các điều kiện như giấy tờ xe như đăng kiểm, bảo hiểm, tuyến cố định, giấy phép lái xe, lệnh vận chuyển.

3-P8-bai-daotrang-h3.jpg
Một điểm đón trả khách của hãng xe Thành Bưởi tại đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức. Ảnh ĐT

“Hiện nay có một số đơn vị kinh doanh vận tải bỏ bến xe, lập “bến cóc” để hoạt động theo hình thức xe hợp đồng, xe du lịch … không đảm bảovấn đề an toàn giao thông và môi trường cạnh tranh trong hoạt động vận tải” – đại diện Bến xe Miền Đông mới nói.

Tương tự, một HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách ở TP.HCM cho biết, HTX chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực hợp đồng nên luôn tuân thủ các quy định từ sở ngành. Theo đó, trước khi xe chạy sẽ báo cáo về Sở GTVT TP hợp đồng, danh sách người đi trên xe và cả điểm đến, điểm đi.

“Tuy nhiên, hiện nay nhiều đơn vị xin vận hành theo xe hợp đồng, xe du lịch nhưng rõ ràng tuyến đó chạy như một tuyến cố định. Đơn cử xe khách Thành Bưởi có tuyến TP.HCM– Đà Lạtvới rất nhiều chuyến trong một ngày” – đại diện HTX nói.

Ngoài ra, BXMĐ mới cũng cho biết, một tuyến vào bến xe hoạt động phải được Sở GTVT chấp thuận khai thác tuyến. Đồng thời, đơn vị này sẽ chịu các khoản phí dịch vụ xe ra vào bến, hoa hồng bán vé hoặc thuê quầy vé. Giá vé cũng phải kê khai và bán vé đúng giá này.

Trong khi đó, doanh nghiệp hoạt động theo hình thức hợp đồng chỉ cần có phù hiệu là chạy được. Khi chạy, chỉ cần gửi hợp đồng và danh sách hành khách về Sở GTVT. “Loại hình này đón khách mọi lúc, mọi nơi và rất khó kiểm soát. Trong khi xe tuyến phải chịu sự kiểm tra về các điều kiện vận tải, giá vé, xuất vé điện tử, chạy đúng giờ đã được Sở chấp thuận, bến kiểm soát số lượng khách, không được chở quá số người quy định”, BXMĐ mới nói.

Dễ dàng cấp phép kinh doanh

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM, không chỉ xe Thành Bưởi mà các hãng xe chạy hợp đồng sẽ không vào bến đón, trả khách mà tự lập các điểm hoặc đón, trả khách tại các điểm tiếp nhiên liệu.

Việc tự lập ra các “bến cóc” để đón, trả khách cũng được thực hiện rất dễ dàng. Chỉ cần một khu đất trống và đăng ký địa điểm kinh doanh là có thể đón, trả khách như một bến xe thực thụ.

xe-khach-8-5976-924.jpg
Điểm đón, trả khách tại số 97 Mai Chí Thọ, phường An Phú, TP Thủ Đức của hãng Thành Bưởi đón trả khách suốt ngày đêm. Ảnh ĐT

Điển hình như tại khu đất số 97 Mai Chí Thọ, phường An Phú, TP Thủ Đức đang được nhà xe Thành Bưởi dùng làm điểm đón, trả khách thường xuyên. Việc xe ra vào suốt ngày đêm tại điểm này đã ảnh hưởng lớn đến tình hình giao thông tại khu vực này.

Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng kiểm tra thì nhà xe này đều xuất trình đủ giấy tờ. Cụ thể là hợp đồng với hành khách và giấy phép kinh doanh. Vì vậy, lực lượng chức năng đành phải “bó tay”.

img-8316-7439-3582.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra hãng xe Thành Bưởi ngày 28-9. Ảnh: ĐT

Giấy phép kinh doanh của nhà xe Thành Bưởi tại khu đất 97 Mai Chí Thọ do Sở KH&ĐT cấp. Điều đáng nói là, trong nội dung giấy phép này, chỉ vẻn vẹn tiêu đề là giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh, địa chỉ khu đất và thông tin của Thành Bưởi.

Dù là giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh nhưng không nói nội dung kinh doanh là gì. Ngoài ra, đơn vị được cấp giấy chứng nhận này cũng không cần đáp ứng thêm điều kiện gì, kể cả các vấn đề về quy hoạch bến bãi, vấn đề an toàn giao thông, vệ sinh môi trường cũng như an ninh trật tự của khu vực.

Không khó để xử lý xe hợp đồng vi phạm

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trung Tính – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM cho biết xe hợp đồng cung cấp dịch vụ cao cấp hơn nhiều so với hành khách đi tuyến cố định.

Theo đó, khách đi dạng hợp đồng phải thuê bao trọn gói cả một chuyến xe dù chỉ một người. Đồng thời nơi đi, nơi đến, điểm dừng lấy trả khách phải ghi cụ thể ở hợp đồng bằng văn bản, với phiếu thu tiền cả hợp đồng và có cả danh sách người đi cụ thể.

“Trước khi đi, doanh nghiệp phải báo cáo về Sở GTVT TP.HCM bao gồm cả hợp đồng và danh sách người đi. Do vậy, để quản lý các loại hình này cơ quan quản lý nhà nước cần căn cứ những quy định này để kiểm tra, giám sát và xử lý để đảm bảo công bằng” – ông Tính nói.

Liên quan đến việc xe Thành Bưởi gây tai nạn vừa rồi được cấp phù hiệu là xe du lịch, ông Tính cho rằng, việc cấp phù hiệu, biển hiệu đang thực hiện theo quy trình chặt chẽ và không hề dễ dàng. Trong đó, chiếc xe Thành Bưởi vừa gây tai nạn là loại hình xe du lịch, đòi hỏi các đơn vị quản lý phải kiểm tra một cách gắt gao hơn.

Đơn cử, tài xế và nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn do Sở Du lịch cấp chứ không phải do doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã hay hiệp hội tập huấn cấp. Đồng thời, loại hình xe du lịch phải cấp biển hiệu, chứ không phải phù hiệu như loại hình khác. Khách đi xe du lịch cũng đi theo đoàn, với chương trình tour cụ thể do một công ty du lịch tổ chức, trên xe có hướng dẫn viên.

“Với các điều kiện như trên, lực lượng chức năng dễ dàng kiểm tra và xử lý các xe vi phạm” – ông Tính nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm