Nhân đây xin ghi lại vài điều trong cuộc đời làm báo của Phan Khôi đáng để thế hệ làm báo hôm nay học ở nhà văn hóa lớn, nhà báo tiên phong này.
Phan Khôi sinh năm 1887 tại Điện Bàn, Quảng Nam. Lúc đầu Phan Khôi học chữ Hán, năm 19 tuổi đậu tú tài Hán học nhưng sau đó chuyển sang Tây học và trở thành một nhà báo, nhà phê bình, nhà luận thuyết lừng lẫy mấy chục năm ở cả Bắc-Trung-Nam… Phan Khôi còn là một nhà thơ cách tân, nổi tiếng với bài thơ Tình già khơi mở phong trào Thơ mới. Nhiều người cũng hay nhắc về cuộc bút chiến giữa Phan Khôi và Hải Triều về vấn đề Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh. Sau này trên tuần báo Sông Hương, Phan Khôi nhắc lại chuyện trên và nửa đùa nửa thật bảo Hải Triều gom hết các bài tranh luận in thành sách bán được mấy trăm đồng mà không chia cho ông xu nào (bấy giờ giá một tờ báo chỉ có mấy xu).
Tuần báo Sông Hương do ông làm chủ nhiệm (ra được 32 số, từ 1-8-1936 đến 27-3-1937) có các mục: Về học thuật, Sử học, Quốc văn nghiên cứu... do chính ông phụ trách với các bút danh Phan Khôi, P.K., Sông Hương, Ngự Sử. Từ đó người ta gọi ông là “Ngự sử Văn đàn”. Những bài viết của ông về quốc ngữ, văn học, sử học… rất sâu sắc, đầy tâm huyết, còn những bài tranh luận về học thuật, phê bình rất đanh thép, không ngại va chạm, ngay cả những vấn đề tế nhị như tôn giáo, lịch sử… Phan Khôi phê thẳng thừng cái dốt của quan Hồng lô Tự khanh Lê Thanh Cảnh. Ông phê bình Trần Trọng Kim khi viết Việt Nam sử lược “đã lấy chủ quan mà bàn tán… phì cười vì nó chẳng thành lý sự gì cả” nhưng ông ca tụng Sử ký của Tư Mã Thiên “có không biết bao nhiêu là điều đáng phục”.
Tám, chín mươi năm trước, sống trong thời kỳ cả nước bị ách đô hộ của thực dân Pháp, chỉ còn một mảnh đất nhỏ Trung Kỳ được gọi là “An Nam quốc” danh nghĩa là do triều đình nhà Nguyễn cai trị nhưng thực ra vẫn do người Pháp nắm quyền, dân ta một cổ hai tròng. Thế nhưng nhà báo, nhà văn hóa Phan Khôi vẫn ngang nhiên, thẳng thừng phê phán cả những thói hư tật xấu của các quan lại nhà Nguyễn lẫn thói hống hách của bọn thực dân Pháp. Phan Khôi như một con rồng trong làng báo. Ông viết báo như một hiệp sĩ. Ông ra Bắc vào Nam, cộng tác với hầu hết những tờ báo lớn uy tín nhất bấy giờ như Đông Cổ tùng báo, Nam Phong, Hữu Thanh, Thực nghiệp dân báo ở Hà Nội; Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn, Tràng An ở Huế. Với bút lực thâm hậu cùng với kiến thức uyên bác và tính cách mạnh mẽ, Phan Khôi lại nổi tiếng trực ngôn, bấy giờ đã làm nhiều người kính nể lẫn e dè.
Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, năm 1956-1957 Phan Khôi là một trong những người tổ chức Nhân Văn giai phẩm, tờ báo dám phê phán giới lãnh đạo văn nghệ bấy giờ. Giai phẩm bị đóng cửa, ông bị cấm sáng tác. Mấy năm cuối đời ông sống âm thầm và chết lặng lẽ năm 1959 tại Hà Nội.
Đáng lẽ sau thời kỳ đổi mới tư duy, Phan Khôi phải được phục hồi chứ không phải đến năm 2007, kỷ niệm 120 ngày sinh của ông, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và tạp chí Xưa & Nay mới tổ chức tọa đàm về Phan Khôi, về những đóng góp của ông cho văn hóa dân tộc.
PHẠM CHU SA