Tuyên án đại án Gang thép Thái Nguyên

Chiều 20-4, sau hơn một tuần xét xử và nghị án kéo dài, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với các bị cáo trong đại án Gang thép Thái Nguyên. 19 người hầu tòa là các cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu tổng giám đốc TISCO) chín năm sáu tháng tù, Trần Văn Khâm (cựu chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc TISCO) tám năm sáu tháng tù, Mai Văn Tinh (cựu chủ tịch HĐQT VNS) sáu năm tù, Đậu Văn Hùng (cựu tổng giám đốc VNS) ba năm tù cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

15 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 18 tháng án treo đến tám năm tù cùng về tội danh trên hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo HĐXX, dù biết rõ Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm hợp đồng và đề nghị các điều khoản vô căn cứ, các bị cáo tại TISCO và VNS vẫn đồng ý đề xuất điều chỉnh chi phí dự án, trong đó có việc tăng tổng mức đầu tư từ hơn 3.800 tỉ đồng lên tới hơn 8.100 tỉ đồng.

Các bị cáo trong vụ đại án Gang thép Thái Nguyên nghe tòa tuyên án
chiều 20-4. Ảnh: TTXVN

Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ tính riêng khoản lãi vay của TISCO để thực hiện dự án đã lên tới hơn 830 tỉ đồng, ngoài ra chưa tính đến thiệt hại khi dự án bị tạm ngừng, các thiết bị, máy móc đã đầu tư vào dự án bị xuống cấp, hư hỏng. “Hành vi này còn ảnh hưởng xấu đến việc phát triển kinh tế và niềm tin của nhân dân vào công tác quản lý kinh tế của Nhà nước” - HĐXX nhấn mạnh.

Tuy nhiên, HĐXX cũng ghi nhận việc các bị cáo thực hiện hành vi trong bối cảnh dự án triển khai khi kinh tế bị khủng hoảng, “phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng”.

Cùng với đó, khi MCC vi phạm hợp đồng, TISCO và VNS đã có văn bản đốc thúc MCC cũng như tính đến phương án khởi kiện. Mặt khác, việc phần C ra khỏi hợp đồng trọn gói và lựa chọn Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ đều có báo cáo cấp trên. Các bị cáo không có động cơ vụ lợi, chỉ có mong muốn dự án sớm hoàn thành…

Vụ án này, bị cáo Trần Trọng Mừng được xác định là người có vai trò chủ mưu, trực tiếp chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội, chịu trách nhiệm toàn bộ về hiệu quả của dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên nên phải chịu mức án cao nhất.

Truy trách nhiệm nhà thầu phụ

Đáng chú ý, căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cùng các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX nhận thấy cần kiến nghị xem xét hành vi bộ chủ quản của TISCO và VNS, tức Bộ Công Thương.

Theo HĐXX, Bộ Công Thương đã đưa ra các chủ trương, quyết định không đúng quy định pháp luật, đồng thời giới thiệu và lựa chọn đơn vị không đủ năng lực, tức VINAINCON, để thực hiện phần C của hợp đồng 01#EPC. “Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hậu quả của vụ án” - HĐXX nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, HĐXX cũng cho rằng cần làm rõ những sai phạm của VINAINCON trong việc thực hiện phần C của hợp đồng EPC, nếu có căn cứ thì đề nghị khởi tố trách nhiệm hình sự các cán bộ có liên quan theo quy định của pháp luật.

Trước đó, trong quá trình xét xử, bị cáo Trần Trọng Mừng thừa nhận trách nhiệm trong việc giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ. Tuy nhiên, đề xuất này của TISO là dựa trên sự giới thiệu trước đó của Bộ Công Thương. Theo lời bị cáo, một thứ trưởng Bộ Công Thương đã trực tiếp giới thiệu VINAINCON, nói đây là doanh nghiệp của bộ, có kinh nghiệm và từng xây lắp nhiều công trình quan trọng.

Ông Đặng Văn Tập (cựu phó giám đốc thường trực Ban quản lý dự án) thì cho biết có nhận được thông báo của thứ trưởng Bộ Công Thương từ chủ đầu tư nhưng không nói đến việc dừng dự án. “Chính vì văn bản chỉ đạo tiếp tục dự án này nên chúng tôi mới phải đứng trước tòa ngày hôm nay” - bị cáo trình bày.

Bào chữa cho các bị cáo, nhiều luật sư cũng cho rằng tránh nhiệm chính trong việc giới thiệu nhà thầu phụ không đủ năng lực phải thuộc về Bộ Công Thương, TISCO và VNS chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới.

Thậm chí, luật sư của bị cáo Đồng Quang Dương (cựu phó giám đốc kiêm thư ký dự án) còn đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thu thập thêm các tài liệu, chứng cứ nhằm làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương cũng như VINAINCON.

 

Không ghi nhận “mong muốn” của TISCO

Liên quan đến phần dân sự, HĐXX cho biết quá trình phiên tòa diễn ra, TISCO không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng TISCO là doanh nghiệp cổ phần, trong đó vốn chủ sở hữu của Nhà nước là 65%. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, TISCO chỉ là người đại diện vốn của chủ sở hữu. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến khách thể là tài sản của Nhà nước nên yêu cầu tự nguyện không đòi bồi thường của TISCO không được tòa ghi nhận.

Chính vì vậy, ngoài trách nhiệm hình sự, tòa còn buộc các bị cáo liên đới bồi thường hơn 830 tỉ đồng cho TISCO. Trong đó, bị cáo Trần Trọng Mừng phải bồi thường 130 tỉ đồng, Trần Văn Khâm bồi thường 120 tỉ đồng, Mai Văn Tinh bồi thường 80 tỉ đồng…

Trước đó, tại phần xét hỏi, nêu ý kiến với tư cách là nguyên đơn dân sự, đại diện TISCO nhiều lần cho biết từ trước đến nay công ty này không hề có đơn khởi kiện hay yêu cầu bồi thường, kể cả khi ra tòa cũng không có.

Thậm chí, khi HĐXX nhấn mạnh “đơn chỉ là thủ tục mà thôi”, đại diện TISCO vẫn khẳng định không yêu cầu bồi thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm