Tuyệt đối không làm điều này khi nghi con bị xâm hại

Thời gian vừa qua, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng khi liên tiếp các vụ hiếp dâm, xâm hại trẻ em được phát hiện. Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an), mỗi năm có đến 1.600-1.800 trường hợp xâm hại trẻ em được ghi nhận. Đây chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm.

Thế nhưng nhiều bậc phụ huynh không biết cách lưu lại bằng chứng trong khi lời kể của các bé ở độ tuổi quá nhỏ không thể là căn cứ duy nhất để giải quyết vụ việc.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, đã có hướng dẫn cụ thể để gia đình giữ được chứng cứ tố cáo kẻ xâm hại con em mình.

Bình tĩnh thu thập chứng cứ ban đầu

• Phụ huynh phải thật sự bình tĩnh để bảo toàn tất cả chứng cứ ban đầu như vết máu, tinh dịch, quần áo của trẻ mặc khi bị xâm hại, hình ảnh, chữ viết của người bị tình nghi, vật dụng sinh hoạt, thư từ thừa nhận sự việc, tin nhắn trên điện thoại...

• Tuyệt đối không rửa ráy cho trẻ (đặc biệt ở vùng kín). Phải đưa trẻ đến cơ quan pháp y để giám định ngay. Nếu không giám định kịp sẽ khó lấy dấu tích ADN để truy tìm, nhận định thủ phạm sau này.

• Không la mắng mà phải nhẹ nhàng, khen con đã làm đúng khi kể lại việc bị xâm hại, khẳng định đó không phải là lỗi của con. Hỏi han gợi mở để trẻ nói ra những gì đã trải qua, từ đó có cách hành xử tiếp theo.

• Ngăn chặn sự tiếp xúc tiếp theo giữa trẻ và kẻ xâm hại. Nếu không thể làm được điều này thì phải luôn ở bên cạnh con khi kẻ xâm hại có mặt tại đó.

Trẻ em tham dự một cuộc thi phòng, chống xâm hại do Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM tổ chức mới đây. Ảnh: H.LAN

Báo cơ quan chức năng, giao nộp chứng cứ

• Báo ngay với tổ dân phố, chốt khu phố là nơi gần gũi nhất hoặc chính quyền địa phương như hội phụ nữ, UBND xã phường, công an khu vực.

• Giao nộp chứng cứ cho cơ quan công an và thực hiện theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng để chứng cứ được thu thập một cách đúng quy trình.

• Không để sự việc xảy ra một thời gian dài mới tố cáo vì khi đó việc thu thập chứng cứ đầy đủ, chính xác sẽ gặp nhiều khó khăn.

Không thỏa hiệp

Chúng ta cần nhận thức đúng hành vi giao cấu với trẻ em là vi phạm pháp luật. Tránh trường hợp gia đình người bị hại và người phạm tội tự thỏa thuận mức bồi thường hoặc tổ chức đám cưới cho hai người, gây khó khăn trong việc phát hiện, xử lý hành vi phạm tội.

Nếu vụ việc xảy ra đã lâu thì gia đình đưa trẻ đến cơ quan y tế thăm khám và làm ngay đơn tố cáo, gửi kèm kết luận của cơ quan y tế, đồng thời gọi đến đường dây nóng của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM để được hỗ trợ.

Khi nghi con trẻ bị xâm hại mà người thân chưa rõ các nguyên tắc trên thì hãy gọi ngay đến một trong các đường dây nóng sau để được tư vấn cách lưu giữ chứng cứ, thủ tục pháp lý:

• Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH: 18001567.

• Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM: 1900545559.

• Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM: 18009069.

• Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM): 0906 386 166.

TAND Tối cao trong một báo cáo thống kê về “Các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm về xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái”, phần nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các loại vụ án này đã chỉ rõ:

Có nhiều vụ xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em nhưng không đủ cơ sở để đưa người phạm tội ra trước pháp luật. Nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, khi gia đình biết đã lưỡng lự trong cách giải quyết dẫn đến khai báo muộn; không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng nên vô hình trung đã tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa hết dấu vết.

Có trường hợp sau khi bị xâm hại một thời gian dài, người bị hại mới tố cáo hành vi của người phạm tội do sợ danh dự, nhân phẩm của bản thân và gia đình bị ảnh hưởng. Do đó việc thu thập chứng cứ đầy đủ, chính xác gặp nhiều khó khăn (vùng kín bị hóa sẹo, không thu được tinh dịch…) nên rất khó để xác định người bị hại có bị hiếp dâm hay không và ai là người thực hiện hành vi. Do đó việc điều tra, truy tố cũng như xét xử của tòa án đối với các trường hợp này rất khó khăn.

Do đó trong các vụ án xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình cần khai báo nhanh chóng, thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng… để vụ án sớm được làm sáng tỏ.

L.THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm