Một đội tuyển U-19 Việt Nam chơi hừng hực lửa với lối đá khôn ngoan và chặt chẽ cùng những bài phản công sắc như dao.
Ưu thế đấy thể hiện đặc biệt khi đá với những đối thủ Tây Á vốn quen dùng sức nhiều hơn dùng mưu. Tuy nhiên, khi vào bán kết gặp U-19 Nhật Bản thì hàng loạt khó khăn đã bộc lộ. Đó là khi Nhật Bản dùng đội hình hai và đá theo kiểu khống chế giữ bóng chặt kết hợp yếu tố kỹ thuật và cá nhân tốt. Họ ít chủ động tăng tốc nhưng lựa những thời điểm các cầu thủ U-19 Việt Nam sai sót và đánh vào để ghi bàn. Ngoài ra cũng phải kể đến yếu tố các cầu thủ trẻ Nhật Bản với ý thức phòng ngự ngay từ khi mất bóng ở tuyến trên và vây ráp để lấy lại bóng cho kỳ được đã gây nhiều khó khăn cho học trò HLV Hoàng Anh Tuấn.
Vào tham dự World Cup U-20 là một kỳ tích nhưng điều HLV Hoàng Anh Tuấn lo bây giờ không hẳn là lực lượng mà còn là khả năng ứng xử khi gặp những đối thủ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, khác với kiểu đá sức của những cầu thủ trẻ CHDCND Triều Tiên hay các đối thủ Tây Á ở vòng chung kết U-19 năm 2016.
Sắp tới nhiều trụ cột của đội tuyển U-20 Việt Nam tham dự V-League 2017 và điều này sẽ ảnh hưởng đến việc tập trung đội tuyển U-20 Việt Nam bắt đầu vào cuối tháng 3. Việc CLB không nhả quân đã từng xảy ra ở đội U-21 Việt Nam dự giải U-21 quốc tế. Vấn đề còn lại sẽ là đối tượng cọ xát để tăng tính đối kháng ở giải đấu lớn mà học trò HLV Hoàng Anh Tuấn vốn rất cần.
Hy vọng U-20 Việt Nam sẽ không đá World Cup theo kiểu đã dự giải thế giới là thành công và đi để học hỏi và lấy kinh nghiệm.