Ứng xử ngoài tầm văn minh thế giới

Ứng xử ngoài tầm văn minh thế giới ảnh 1

Không chỉ ở Việt Nam mà ở Mỹ hay các quốc gia khác, hình ảnh một người khi ra nước ngoài phản ánh đời sống hằng ngày trong nước của họ. Thường thường, khi ra nước ngoài họ vẫn mang theo văn hóa tập tục trong nước. Nếu như hằng ngày họ vốn cư xử thô bạo với mọi người thì ra nước ngoài họ cũng câng câng, không tôn trọng người khác. Chẳng hạn như những người Âu-Mỹ thì họ không bao giờ tiểu bậy vì trong nước họ không bao giờ làm như thế. Còn người châu Á thì coi đó là lẽ tự nhiên, thành ra đó là hủ tục trong nước mà họ mang theo.

Ví dụ, phụ nữ Ả Rập họ không bao giờ nói chuyện với đàn ông vì đó là những thói quen tập từ trong nước chứ không phải vấn đề chính phủ giáo dục họ ra nước ngoài phải làm thế này thế nọ. Bởi vì con người họ ra sao thì họ phản ánh đúng như vậy dù có ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Còn Trung Quốc được cho là kém văn minh, thành ra khi đi nước ngoài họ có những việc làm khiến người sở tại không thích. Nhưng vì lý do hãnh diện quốc gia nên chính phủ nước này khuyên người dân khi đi ra ngoài thì phải thế này thế kia. Nhưng nói thực cũng chẳng hiệu nghiệm lắm vì văn hóa tập tục đã có hàng ngàn năm rồi thì đâu có ý nghĩa vì vài bài diễn văn hay một một câu nói có thể khiến họ thay đổi tất cả lối sống.

Ở Singapore, không một ai xả rác ngoài đường vì sẽ bị xét phạt rất nặng tới 500 đôla. Lái xe vượt đèn đỏ ba lần sẽ bị tịch thu bằng lái. Nhả kẹo cao su trên đường sẽ bị bắt ngay lập tức, thậm chí cấm bán kẹo cao su vì thứ này làm dơ môi trường.

Ở Việt Nam, nói về tật tiểu bậy nơi công cộng hay vứt tàn thuốc, ăn nhậu nôn mửa ngoài đường hay xả rác, tôn trọng tài sản chung, có tinh thần công dân… phải dạy từ hồi con còn nhỏ. Nhưng giáo dục của mình xuống cấp quá. Người ta nhà dột từ nóc. Người lớn nói người bé không nghe vì người lớn có gương mẫu đâu. Bây giờ chúng ta áp dụng như ở Singapore mà phạt hay bắt tù thì lấy đâu ra công an để đi bắt bởi tình trạng này nhan nhản.

Trên thế giới nghiêm minh nhất phải kể đến Singapore. Nói về tinh thần công dân cao độ là Nhật Bản. Còn nước Mỹ hay Đông Âu những năm 1950 khác với bây giờ. Do nhiều người nhập cư từ nhiều quốc gia trên thế giới nên nước Mỹ cũng có nhiều cái suy thoái về văn hóa. Tuy nhiên, Mỹ vẫn giữ được tinh thần cao về pháp luật.

Những nước tệ hại nhất là Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh… Trong đó có cả Việt Nam là những quốc gia nằm ngoài văn minh của thế giới.

Nếu muốn có một hình ảnh đẹp như Nhật Bản trong mắt bạn bè thế giới, chúng ta phải bắt đầu từ việc giáo dục trẻ con từ bé chứ không phải để lúc lớn mới thay đổi. Chúng ta nhìn xem rất nhiều người Việt giàu có nhưng phần lớn là thiếu văn hóa. Mà những người này sống 10 năm hay 100 năm nữa không thể thay đổi được.

Hoàng tử cũng chịu phạt như thường

Có lần trên xa lộ một thanh niên đi xe mô tô vượt quá tốc độ 150 km/giờ. Cảnh sát rượt theo nhưng tay mô tô chạy quá nhanh nên rượt miết vào trong thành phố vẫn chưa bắt được. Lòng vòng mãi trong thành phố rồi người thanh niên chạy thẳng vào hoàng cung. Hóa ra đó là vị hoàng tử của Vương quốc Bỉ. Khi thấy cảnh sát vào tận trong cung, đức vua mở cửa đi xuống hỏi có chuyện gì xảy ra. Cảnh sát trả lời: “Công dân này chạy vượt tốc độ, nhà vua tính sao”? Nhà vua vui vẻ nộp phạt như một công dân bình thường.

Có một người Việt khi mới sang Bỉ, đi đường vi phạm một lỗi nhẹ hết 50 euro. Anh ta nhất định không chịu nộp phạt. Một tháng sau anh ta nhận được giấy nộp phạt tăng gấp đôi. Một tháng sau nữa có văn bản gửi về cơ quan anh ta và đề nghị đuổi việc vì không chịu tuân thủ luật pháp. Một tháng sau nữa anh ta bị tòa án gọi. Cuối cùng anh ta phải nộp những 5.000 euro. Đây là lỗi nhẹ nên anh ta không phải ngồi tù nhưng lý lịch cá nhân bị tì vết. Rõ ràng khi luật pháp nghiêm minh thì người ta có muốn bê bối cũng không bê bối nổi.

GS Nguyễn Đăng Hưng

TS ALAN PHAN

YÊN TRANG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm