USD tăng giá kịch trần: Nguyên nhân và kịch bản can thiệp

(PLO)- Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp mạnh mẽ hơn như bán hợp đồng kỳ hạn USD hoặc thậm chí là bán dự trữ ngoại hối để hạ nhiệt tỷ giá, theo ý kiến của chuyên gia.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay 17-4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm mức 24.231 đồng, tăng 90 đồng so với hôm qua. Với biên độ cho phép 5%, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.019 - 25.442 đồng.

Tỷ giá USD tăng nóng: Nguyên nhân và giải pháp
FED lưỡng lự hạ lãi suất, kinh tế Mỹ không suy thoái mà còn phục hồi tốt hơn năm ngoái. Điều này khiến đồng USD tăng giá và các đồng nội tệ neo vào USD đều bị giảm trong thời gian qua
Ảnh: GettyImages

USD tăng giá kịch trần

Các ngân hàng lập tức lựa chọn tăng giá bán USD, gần như kịch trần theo biên độ 5% này. Chẳng hạn, tại Vietcombank lúc đầu giờ chiều, tỷ giá USD được niêm yết ở mức mua vào 25.100 đồng – bán ra 25.440 đồng; tại Eximbank ở mức 25.080 – 25.440 đồng.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, mỗi USD trong ngân hàng đã tăng giá hơn 1.000 đồng, tương đương khoảng gần 4%.

Còn trên thị trường tự do, khảo sát của PLO tại Hà Nội vào đầu giờ chiều nay, tỷ giá USD khoảng quanh vùng 25.630 – 25.680 đồng, mua vào – bán ra. Tức là, có thể cao hơn mức 4% trong ngân hàng.

Đây chỉ là diễn biến tiếp theo của biến động tỷ giá khá mạnh thời gian gần đây. Dù vậy theo phân tích của Dragon Capital, tiền VND vẫn mất giá chậm hơn so với nhiều đồng tiền trong khu vực. Từ đầu năm đến nay, biên độ giảm của đồng nội tệ Đài Loan so với USD là 6,4%, Thái Lan 7,5%, Hàn Quốc 8,3%, và Nhật Bản 9,4%.

Nguyên nhân...

Phân tích về diễn biến này, TS Cấn Văn Lực cho rằng có hai nguyên nhân chính khiến cho đồng USD tăng giá. Đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như đang lưỡng lự hạ lãi suất. Và kinh tế Mỹ đã không suy thoái mà còn phục hồi tốt hơn năm ngoái và tốt hơn kỳ vọng. Điều này khiến đồng USD tăng giá, tác động tới các đồng nội tệ neo vào USD.

Theo đà ấy, vị chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) dự báo tỷ giá có thể tăng tiếp 2,5-3%. Và do quan hệ cung cầu ngoại tệ tại Việt Nam vẫn ổn, nên khi FED bắt đầu hạ lãi suất dự kiến từ quý III-2024, tình hình tỷ giá sẽ ổn định - theo nhận định của ông Lực.

...và các lựa chọn của NHNN

Còn theo quan điểm của ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường thuộc Công ty CK KB Securities Việt Nam, tỷ giá tăng cao khiến NHNN, từ giữa tháng 3 đã phải dùng nghiệp vụ tín phiếu, hút bớt VND, cân bằng hơn với USD, qua đó hạn chế tình trạng đầu cơ nắm giữ USD.

Nếu VND tiếp tục hạ giá thì khả năng cao NHNN sẽ có những động thái can thiệp mạnh mẽ hơn như bán hợp đồng kỳ hạn USD hoặc thậm chí là bán dự trữ ngoại hối. Đây là yếu tố cần thận trọng theo dõi, vì có thể tác động khiến mặt bằng lãi suất bật tăng trở lại, từ đó làm yếu đi tính chất hỗ trợ của chính sách tiền tệ đối với tăng trưởng kinh tế.

Ông Tuấn Anh tin rằng dòng vốn FDI và kiều hối đang tăng trưởng ổn định sẽ là nguồn cung ngoại tệ cho năm 2024, giúp biến động tỷ giá không quá nóng.

Nhận định về hướng xử lý thời gian tới, TS Cấn Văn Lực nói: “Tôi tin NHNN đã có kinh nghiệm để xử lý vấn đề này. Chẳng hạn phát hành tín phiếu cũng là một cách tăng lãi suất trên liên ngân hàng để giảm chênh lệch lãi suất USD – VND, vừa qua đã giúp giảm áp lực tỷ giá".

Một số chuyên gia khác cho rằng trước việc các ngân hàng thương mại đưa giá USD lên sát trần biên độ cho phép thì NHNN nhiều khả năng sẽ có động thái phù hợp, trong đó không loại trừ biện pháp bán ngoại tệ can thiệp.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, vấn đề tỷ giá đang hết sức nóng và cơ quan này sẽ có động thái can thiệp thị trường nếu cần thiết.

Yếu tố tâm lý

Trao đổi với PLO, CEO của AFA Capital, ông Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh yếu tố tâm lý của thị trường tài chính. Bởi khi thấy tỷ giá USD tăng mạnh, người ta thường có xu thế găm giữ USD ở các tài khoản nước ngoài. Nếu định nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ mua trước USD, hoặc nếu đã xuất khẩu và có ngoại tệ rồi thì giữ lại và không bán thị trường.

Cũng theo chuyên gia này, để dự báo về diễn biến tỷ giá đồng USD thì cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến từ phía Mỹ, cụ thể là diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE).

Cho đến nay, cả hai chỉ số này đều tăng nóng hơn so với kỳ vọng và đã hình thành xu thế duy trì ở ngưỡng cao khoảng 3 tháng trở lại đây. Fed vẫn duy trì lãi suất ở ngưỡng cao, nên chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam còn lớn, tiếp tục áp lực lên tỷ giá USD/VND.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm