Chiều 18-5, Tổng thư ký Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo thông tin chương trình dự kiến kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV. PV các báo, đài đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN), dự án cao tốc Bắc-Nam và nhiều vấn đề khác.
Các cơ quan chuyên môn đang nghiên cứu vụ án Hồ Duy Hải
Các PV nêu: Sau khi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao bác kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao, một số đại biểu QH có ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH giám sát và đề nghị TAND Tối cao xem xét lại quyết định này. “UBTVQH đã nhận được ý kiến của các đại biểu QH chưa? Quan điểm thế nào?” - PV hỏi.
Theo ông Phúc, UBTVQH cho rằng đây là một trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài trong nhiều năm. Trong nhiệm kỳ QH khóa XIII, UBTVQH đã thành lập đoàn giám sát (do Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn) về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”. Đoàn giám sát cũng đã báo cáo QH chi tiết về vụ án trên. Thời điểm đó, gia đình bị cáo liên tục kêu oan, dư luận cũng lên tiếng.
“Để có thời gian xem xét thật toàn diện và khách quan các vấn đề liên quan đến vụ án này, UBTVQH đang giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng các quy định của pháp luật” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc tại cuộc họp báo. Ảnh: TN
Từ 11 triệu đồng/tháng trở lên mới phải nộp thuế TNCN
Về mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN, Phó Tổng thư ký QH Nguyễn Trường Giang thông tin: Khi chỉ số giá tiêu dùng CPI vượt từ 20% trở lên, Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và mức thu nhập chịu thuế theo chỉ số tăng tương ứng. Từ năm 2013 đến nay, CPI đã tăng 23,2%. “Theo quy định, QH ủy quyền cho UBTVQH quyết định” - ông Giang nói.
Cũng theo ông Giang, tại cuộc họp của UBTVQH tuần trước, cơ quan này đã xem xét và quyết định tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng theo tờ trình của Chính phủ và sẽ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020, bắt đầu từ ngày 1-1.
Theo tờ trình Chính phủ gửi UBTVQH, mức giảm trừ gia cảnh nâng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu người không phải nộp thuế TNCN.
Trong quá trình xem xét vụ việc, VKSND Tối cao thấy có nhiều chứng cứ còn mâu thuẫn, chưa được làm rõ. Khi nhiều cái còn sai sót và nhiều chứng cứ chưa chặt chẽ, thậm chí còn mâu thuẫn giữa hiện trường, mâu thuẫn giữa lời khai... thì viện trưởng thấy cần thiết phải yêu cầu kháng nghị với nội dung là hủy bản án phúc thẩm, sơ thẩm để điều tra lại... VKSND Tối cao kháng nghị không sai luật, có căn cứ và đúng thẩm quyền. Còn cử tri nói TAND Tối cao đúng hay VKSND Tối cao đúng, hãy để cấp có thẩm quyền quyết định. VKSND Tối cao đã ký văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền về vụ việc này... Đến giờ này, tôi tin rằng tôi đang làm đúng trách nhiệm của mình. Viện trưởng VKSND Tối cao LÊ MINH TRÍ |
Không chuyển hết tám dự án cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công?
Liên quan đến việc xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư công tư (PPP) sang đầu tư công đối với tám dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, cho hay: Hai hình thức đầu tư này đều có điểm thuận lợi, khó khăn riêng.
Theo Nghị quyết 52 của QH, chỉ những dự án không triển khai được thì báo cáo QH xin chuyển đổi hình thức đầu tư. Hiện chỉ có một đoạn dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư, còn lại bảy dự án thành phần khác đã sơ tuyển nhà đầu tư.
“Tinh thần là chỉ chuyển hình thức đầu tư một số đoạn, chứ không chuyển hết cả tám dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công” - ông Sinh nói và cho biết Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo làm rõ thêm sự cần thiết chuyển đổi hình thức đầu tư số dự án này.
Dự kiến báo cáo bổ sung của Chính phủ sẽ trình UBTVQH xem xét tại phiên họp thứ “45b” (dự kiến diễn ra đầu tháng 6, giữa hai đợt của kỳ họp thứ 9).
“Có đưa vào nội dung kỳ họp thứ 9 hay không sẽ được quyết định tại phiên họp sau của UBTVQH” - ông Sinh nói.
Quốc hội họp trực tuyến, chất vấn bằng văn bản Kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV dự kiến khai mạc vào sáng 20-5, chia làm hai đợt. Đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà QH đến 63 đoàn đại biểu QH các tỉnh, TP trực thuộc trung ương (từ ngày 20 đến 29-5-2020). Đợt 2, QH họp tập trung từ ngày 8 đến 18-6. Kỳ họp này, QH dành thời gian xem xét, thông qua 10 dự án luật, năm dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với sáu dự án luật khác. QH cũng xem xét báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông... QH sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể nhưng đại biểu được quyền chất vấn bằng cách gửi văn bản, các bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời theo quy định... |