Va chạm ở BOT Cai Lậy khiến dân hoảng sợ

Ngày 4-12 đã là ngày thứ năm trạm BOT Cai Lậy thuộc ấp Phú Hòa, xã Phú Thuận, huyện Cai Lậy, Tiền Giang thu phí trở lại sau ba tháng tạm ngưng.

Có mặt tại trạm, chúng tôi nghe người dân địa phương râm ran than phiền về những ồn ào, xung đột giữa nhà BOT và giới tài xế gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Tuy nhiên, khi đến từng nhà hỏi chuyện thì hầu như ai cũng từ chối nêu tên và trả lời những câu hỏi của chúng tôi một cách e dè.

Dân đau đầu nhức óc

Một phụ nữ tuổi ngoài 50, nhà ở ngay khu vực trạm BOT Cai Lậy, kể lại: “Đêm nào cũng vậy, chúng tôi phải chịu cảnh đinh tai nhức óc vì những tiếng ồn ào. Mới hôm qua, từ 23 giờ đến tận sáng 4-12 có bốn trận tài xế bấm còi liên hồi, tiếng hò reo, la hét như vỡ chợ. Vợ chồng tôi không tài nào ngủ được, phải mở cửa ra sân xem tình hình. Nhà tôi vốn có phòng lạnh, cửa đóng rất kín mà còn không chịu nổi”.

Chúng tôi đặt vấn đề xin ghi tên họ và ý kiến để đề đạt lên cơ quan chức năng, bà vội xua tay từ chối: “Chú thông cảm cho, mấy ngày qua thấy cảnh ở đây mà sợ quá. Nào là mấy ông tài xế bị cẩu xe tìm đến nhà người ta trả thù rồi bị chém. Xóm này có cậu thanh niên đến trạm tham gia ý kiến bị một nhóm người hỏi thăm nhà cửa ở đâu, không biết để làm gì. Tôi ở ngay chỗ này, không dám nói gì đâu, lỡ có ai trả thù thì chết”.

Người dân sống gần trạm không ai dám xưng tên, lộ diện vì sợ rủi ro. Ảnh: TRẦN VŨ

Một người dân trong khu vực góp chuyện: “Nhà cách đây cả trăm mét mà không thể ngủ được. Chúng tôi thức trắng vì tiếng người, tiếng xe, tiếng còi hú hét inh ỏi cả đêm. Mong cơ quan chức năng giải quyết ngay vấn đề chứ kiểu này người dân gần trạm tổn hao sức khỏe quá!”.

Nằm cách đó không xa là một quán cà phê, chủ quán là bà cụ gần 70 tuổi tỏ ra bức xúc: “Bốn đêm liền không ai ở đây ngon giấc. Người ta làm gì mà ồn ào như đánh trận suốt từ sáng đến đêm. Tiếng còi xe không lúc nào ngớt, bụi bặm, hơi nóng từ máy xe càng khiến khu vực này như cái lò. Buôn bán cũng mong đông khách nhưng đông kiểu này không ham đâu chú. Mong sao tình trạng này sớm kết thúc”.

Tài xế quyết tâm, nhân viên BOT ái ngại

Ngày 4-12, trạm BOT Cai Lậy xả trạm từ 9 giờ sáng nên trong ngày không xảy ra căng thẳng, rối loạn giữa bên thu phí và bên trả phí. Tuy nhiên, khi được hỏi về cuộc giằng co chưa có hồi kết, các tài xế tỏ ra rất thống nhất quan điểm: “Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng, chỉ đến khi nào trạm thu phí về đúng vị trí của nó”.

Về phía các nhân viên làm việc tại BOT Cai Lậy, khi chúng tôi ngỏ ý phỏng vấn, họ từ chối trả lời vì lý do: “Không có chỉ đạo của lãnh đạo trạm”.

Cuối ngày, khi nghe quyết định của Thủ tướng, rất đông tài xế tụ tập quanh trạm ca hát, ăn mừng. Theo họ, đây là quyết định hợp lòng dân, chứng tỏ người đứng đầu Chính phủ đã lắng nghe đầy đủ các ý kiến. Họ đặt niềm tin Chính phủ sẽ sớm có giải pháp toàn vẹn đối với trạm BOT Cai Lậy.

Không thể không phản đối

“Giá vé xe hiện tại là 140.000 đồng/xe container 40 feet, công ty có 30 xe một ngày qua lại trạm hai lượt, vị chi là 280.000 đồng. Nếu nhân số tiền này cho số xe và 30 ngày trong tháng thì nội tiền qua trạm công ty phải chi một tháng đến hơn 200 triệu đồng. Đây là con số không thể chấp nhận được. Do đó chúng tôi không còn cách nào khác là phải phản đối trạm thu vô lý này” - anh Nguyễn Văn Thắng, tài xế một công ty có xe chạy liên tỉnh miền Tây.

“Các công ty vận tải miền Tây lưu lượng xe chạy trong ngày rất lớn. Một xe có thể qua trạm vài lần một ngày. Cho dù với mức phí đã được giảm 30% thì việc phải bỏ tiền ra chi thường xuyên cho đoạn đường họ không đi khiến không ai có thể chấp nhận. Đây là chuyện không thể thỏa hiệp” - anh Huỳnh Lộc, chủ một doanh nghiệp vận tải.

“Giảm giá vé qua trạm nhưng lại kéo dài thời gian thu phí lên 10 năm là một hành động khiến không chỉ cánh tài xế mà cả người dân giận dữ. Giảm như vậy có thực sự là giảm không? Tôi thấy “có vấn đề” trong thiện chí giải quyết nút thắt BOT Cai Lậy từ cơ quan chức năng. Đề nghị những người có quyền quyết định trong việc này hãy đưa ra giải pháp thực chất để dẹp yên điểm nóng này. Tài xế và người dân chỉ chấp nhận một phương án duy nhất: Dẹp trạm!” - chị Phạm Huyền Trang, một người dân Tiền Giang. 

P.D ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm