Kể từ lần cuối cùng trở về thăm quê nhà ở Cao Lãnh vào năm 1973, sau 45 năm nhạc sư Vĩnh Bảo đã quyết định bán căn nhà ở TP.HCM, trở về hẳn Cao Lãnh sinh sống…
Ở đâu cũng chỉ là trú chân
Sau khi rời TP.HCM (5-2018), nhạc sư Vĩnh Bảo không còn dạy nhạc qua mạng nữa. Mỗi ngày của nhạc sư 101 tuổi bây giờ là hưởng những niềm vui mà ông tự nói là “cái vui khác mọi người”.“Với tui, cái vui ở trong tâm hồn. Mình ngồi đây không hờn giận ai, không ai hờn giận mình là vui. Cái vui có sao không hưởng mà tìm cái vui ngoài đường” - nhạc sư Vĩnh Bảo chia sẻ.
Mỗi ngày, tầm 5 giờ sáng, ông lại tự đo huyết áp và ghi vào sổ riêng của mình để theo dõi dù ông không có bệnh gì đặc biệt. Sau đó, ông đi bộ dọc con mương trước nhà, khi ghé hàng bánh ướt, khi quán hủ tiếu… cho bữa ăn sáng. Ngày nào vui ông lại bắt taxi đi xa hơn uống cà phê. Nếu chỉ thấy đời sống như vậy, không ít người sẽ nghĩ ông chọn về quê để thanh nhàn, thật ra ông luôn sắp xếp cho ông một cuộc sống riêng tư dù lịch sử thăng trầm, con người biến động… luôn vút qua trước mắt.
“Kể từ lần cuối về Cao Lãnh là năm 1973 thì đến giờ tui mới về lại. Xưa Cao Lãnh chỉ có một con đường, giờ đường sá nhiều quá, những gì của ngày xưa như không còn nhưng người dân thì rất dễ thương… Mà nói cho đúng ngay từ trước 1973 tui cũng ít về nhà, tui lêu bêu sống từ Campuchia, Sài Gòn, Pháp, Mỹ… từ thời nhỏ nên giờ ở đâu cũng như khách” - nhạc sư Vĩnh Bảo chia sẻ.
Không chỉ câu chuyện TP.HCM hay Cao Lãnh, nếu ai từng trò chuyện hoặc nghe nhạc sư Vĩnh Bảo nói chuyện nhiều lần đều dễ dàng nhận thấy một sự nhất quán ở ông là luôn coi mọi thứ ở đời đều tạm, ở đâu ông cũng chỉ là khách trú chân…
Nhạc sư Vĩnh Bảo tại nhà riêng ở Cao Lãnh. Ảnh: QUỲNH TRANG
GS-TS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sư Vĩnh Bảo (từ trái sang) trong buổi trình diễn tại ĐH Southern Illinois (Hoa Kỳ) vào tháng 11-1971. Ảnh: VIETNAM BULLETIN
Cái gì đã qua là qua
Một ví dụ nhỏ cho “vị khách Vĩnh Bảo” ở đời sống này chính là toàn bộ tư liệu trong cuộc đời ông.
Với nhiều người, việc để lại một nhà lưu niệm, một hệ thống tư liệu hay lan truyền những tư tưởng, cống hiến của mình… là điều họ chuẩn bị cả đời thì với nhạc sư Vĩnh Bảo điều đó thật đơn giản. Hiện toàn bộ tư liệu cuộc đời nghiên cứu của ông được ông dành tặng cho tỉnh Đồng Tháp để làm “Nhà trưng bày nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - giai điệu và cuộc đời” tại TP Cao Lãnh. Khi đã tặng tất cả tư liệu, ông cũng đã để cho nhà trưng bày tự thực hiện sắp xếp theo ý muốn chứ không can thiệp.
“Cái gì qua là qua, không nên tiếc. Cái gì tui cũng chỉ là chủ tạm, kể cả vợ con. Danh lợi càng không nghĩa lý gì. Rơm đó rồi rác đó, có gì mãi mãi đâu. Tui sinh ra nhà địa chủ nhưng từ 14 tuổi tôi đã rời nhà rồi làm đủ nghề từ cu li đến lái taxi, dạy Pháp văn, dạy Anh văn cho nhân viên không lực Hoa Kỳ… Khi ai vinh danh mình chính mình phải nhớ lúc mình nhục, như ở đời khi đủ ăn mình nhớ lúc thèm ổ bánh mì không có mà ăn; và để khi đó ai không có ăn mình lại cho liền. Nhiều người nói tốt lành từ thiện, thật tình tui tặng ai ổ bánh mì, dĩa cơm cũng bởi trước tiên vì tui, tui ăn ngon sao nổi khi ngay trước mắt mình người ta thiếu ăn!” - nhạc sư Vĩnh Bảo nói.
Ngẫm lại mình tin ai?
Ông ý thức rất sớm mình là vị khách, rất nhiều năm qua ông đã giảm dạy những khóa học qua mạng về âm nhạc truyền thống. “Lúc sau này tui cũng ít đờn, chỉ đờn khi nào có bạn bè, học trò… muốn hòa đờn. Mình cũng phải biết tuổi mình. Bây giờ với mình, đóng góp cho cuộc đời là tối thiểu chứ không còn đóng góp tối đa được nữa. Biết lượng sức để ngừng. Không chỉ ngừng dạy học mà với những buổi nói chuyện chuyên đề tui cũng chọn lọc tùy nơi, tùy chủ đề. Ngay cả nói về âm nhạc tui cũng coi chừng đụng chạm. Bởi nhiều lúc tui không biết mình có thể tin ai và ai tin mình. Tui chỉ nói sự thật nhưng nào biết ai nói thiệt, nói giả… Con người ta sinh ra có kẻ khôn người dại, mình sinh ra làm được gì theo điều mình nghĩ là đúng thì làm” - nhạc sư Vĩnh Bảo tâm sự.
Hỏi ông bí quyết để kinh qua trăm năm mà giữ được, làm được điều mình cho là đúng, ông lại trả lời bằng một câu chuyện ngắn. “Có cái nhà to, có nhiều tiền là sướng hay khổ? Có nhà to, phải làm màn the cho đẹp. Đẹp thì phải khoe cho bè bạn. Muốn khoe phải làm tiệc mời tới nhà… Đó chẳng phải là đang làm mình mệt sao?”.
Hành trình về Cao Lãnh Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ngày 19-8-1918 tại làng Mỹ Trà, tổng Phong Thạnh, quận Cao Lãnh, Sa Đéc (nay là xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp). Vào đầu năm 2018, sau khi nghe bà Vũ Kim Anh (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) kể về nhạc sư Vĩnh Bảo, một người con Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, đã tự tìm thông tin về nhạc sư. Tháng 3-2018, ông Hoan cùng một số lãnh đạo tỉnh đã đến nhà ở TP.HCM để mời nhạc sư một chuyến về thăm ở Cao Lãnh. Trong chuyến về thăm, nhạc sư Vĩnh Bảo đã có suy nghĩ quay trở về quê sống. Khi biết ý định của nhạc sư, lãnh đạo tỉnh đã mời nhạc sư trở về ở hẳn tại Cao Lãnh. Nhạc sư cũng tặng toàn bộ tư liệu hơn 80 năm của đời mình để làm nhà trưng bày. Một trong 6 nhạc sư có tầm ảnh hưởng trên thế giới Nhạc sư Vĩnh Bảo chơi đàn từ năm năm tuổi. Cố GS-TS Trần Văn Khê gọi ông là “đệ nhất danh cầm” khi ông sử dụng ở trình độ cao tất cả nhạc cụ chính của đờn ca tài tử, nhất là đàn tranh và đàn kìm. Ông đã đưa ra một lối ký âm mới phù hợp cho âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông còn là người cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành 17, 19, 21, thậm chí 25 dây. Ông là nhạc sư hiếm hoi của Việt Nam, trong số sáu nhạc sư có tầm ảnh hưởng trên thế giới, được vinh danh tại hội thảo Dân tộc Nhạc học thế giới ở Honolulu (Mỹ) năm 2006. Ông được chính phủ Pháp tặng huy chương Nghệ thuật và văn học cấp bậc Officier. |