VAR ở Đông Nam Á là quan trọng nhưng đạo đức mới là số 1

(PLO)-VAR ở Đông Nam Á rất quan trọng, nhưng chủ nhà các giải trẻ khôn lõi thì vùng trũng vẫn là vùng trũng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau giải U-16 Đông Nam Á (tại Indonesia), LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) cho biết những giải khu vực từ nay đến cuối năm đều được trang bị VAR. VAR ở Đông Nam Á là quan trọng, đạo đức của chủ nhà càng quan trọng hơn.

Giải U-16 Đông Nam Á vừa qua, từ bán kết đã có VAR và từ trung tuần tháng 7 này giải U-19 Đông Nam Á tại Surabaya của Indonesia từ 17 đến 29-7 sẽ có VAR.

Giải Vô địch các CLB Đông Nam Á (từ 21-8-2024 đến 21-5-2025) cũng trang bị VAR trên các sân của các đội tham dự. Và đặc biệt giải AFF Cup 23-11 đến 21-12 có VAR.

VAR ở Đông Nam Á
Úc bị đẩy vào đá 3 trận vòng bảng lúc 15 giờ, lại chỉ nghỉ 1 ngày trước bán kết gặp chủ nhà Indonesia. Ảnh: S.S

VAR là đòi hỏi chính đáng theo thời cuộc và cả thế giới đều đang đi theo xu hướng này. VAR ở Đông Nam Á là quan trọng nhưng đạo đức tổ chức thi đấu của nước chủ nhà là quan trọng hơn.

Sự công minh, sòng phẳng, tinh thần cao thượng phải được tuân thủ thì bóng đá mới có thể phát triển tốt được.

Nong-hoi-Gholy-1.jpg
...Tuy nhiên Úc cũng đã "dạy" chủ nhà Indonesia bài học "khôn lõi- người tính không qua trời tính". Úc lên ngôi vô địch khi thắng Indonesia 5-3 ở bán kết và thắng Thái Lan 8-7 loạt luân lưu sau 90 phút hòa 101. Ảnh: CTP

Tại bán kết U-16 Đông Nam Á vừa qua, chủ nhà Indonesia đá bán kết với Úc, nhờ chuyện mời trọng tài ngoài khu vực và có VAR nên cũng “triệt” được lối đá thô bạo của các đội trẻ Indonesia vốn đã thành "đặc sản". Trận đó có nhiều cầu thủ Indonesia chơi thô bạo và họ phải mất người. VAR sẽ giải quyết triệt để các cầu thủ trẻ Indonesia chơi bóng đá thô bạo.

Cũng tại giải U-16 Đông Nam Á vừa qua, chủ nhà chơi rất xấu bằng việc sắp xếp lịch đấu hoàn toàn bất lợi cho đối thủ. Điều này nếu những “nạn nhân” kiện, hoàn toàn có thể bẽ mặt chủ nhà Indonesia. Tuy nhiên điều quan trọng là các quan chức AFF góp ý để chủ nhà bỏ những toan tính xấu của sân chơi bóng đá trẻ quan trọng hơn vì sự phát triển chung.

U-16 Indonesia rơi vào bảng A quá dễ để nhất bảng, họ “thiết kế” luôn đối thủ bảng C. Đẩy đội trẻ Úc lên đá toàn ba trận vòng bảng lúc 15 giờ cực kỳ nắng nóng, còn Indonesia đá toàn 19 giờ 30. Đã vậy xong vòng bảng bảng C (tối 29-6), đối thủ của Indonesia (Úc) chỉ được nghỉ 1 ngày (30-6), còn chủ nhà Indonesia thì được nghỉ từ 27-6 đến ngày 1-7 đá bán kết với Úc. Điều này thật khó chấp nhận và Úc có thể kiện chuyện này được.

Toan tính xấu như thế, nhưng cuối cùng, Indonesia cũng không thể vô địch, còn Úc lên ngôi. Toan tính làm gì ở cái sân chơi U-16 này? Chuyên môn và sự sòng phẳng, tinh thần Fair Play nhất là ở sân chơi trẻ quan trọng hơn nhiều.

Không riêng gì Indonesia, AFF Cup 2021, chậm 1 năm sau đại dịch COVID-19 đá tập trung tại Singapore. Chủ nhà bố trí bảng A (có tuyển Singapore) toàn đá sân đẹp, cỏ chỉ mượt mà, khán đài hoành tráng, đó là sân vận động quốc gia mới Singapore. Trong khi bảng B đá sân Jalan Besar, chỉ có khán đài A, còn khu B, C, D của sân không có khán đài, phía sau lưng khu B là đường sá, ô tô chạy, biển quảng cáo treo nhấp nhô, trông rất kỳ quái.

Ở những khu vực khác khi thi đấu giải chẳng phải chủ nhà thích làm gì thì làm. Mọi thứ cần phải tôn trọng, nhất là quyền bình đẳng của các đội tham dự, sự tiện nghi và khó khăn các đội đều phải chia sẻ như nhau, không có chuyện nhất bên trọng, nhất bên khinh.

Những thứ tồn tại này, mang tính ích kỷ, nhỏ nhen này “vùng trũng” của bóng đá thế giới nên khắc phục trước, vì nó rất dễ, hoàn toàn do yếu tố con người, ý thức con người. Cải thiện được sự ích kỷ, nhỏ nhen, tính địa phương này cũng là một phần quan trọng cho nền tảng phát triển của bóng đá “vùng trũng thế giới”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm