Theo báo South China Morning Post, tại Trung Quốc đang xuất hiện một làn sóng giận dữ quanh chuyện nhãn hàng thời trang cao cấp Versace của Ý vừa tung ra một mẫu sản phẩm áo thun và áo trùm đầu có giá bán 380 USD/chiếc, trên đó có in Hong Kong và Macau như một quốc gia độc lập chứ không phải thuộc về Trung Quốc.
Versace in Hong Kong, Macau không phải thuộc Trung Quốc?
Hình ảnh mẫu áo thun này lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Một mặt chiếc áo thun có in một danh sách các cặp “TP - quốc gia” như “Milan - Ý”, “New York - MỸ”. Tuy nhiên, trong khi in cả “Bắc Kinh - TRUNG QUỐC” và “Thượng Hải - TRUNG QUỐC” thì Versace lại in “Hong Kong - HONG KONG” chứ không phải “Hong Kong - CHINA”, “Macau - MACAO” chứ không phải “Macau - CHINA”.
Hình ảnh in trên mẫu áo của Versace được dân mạng Trung Quốc chia sẻ. Ảnh: WEIBO
Dòng chữ “Nghi ngờ Versace ủng hộ Hong Kong và Macau ly khai” trở thành chuỗi ký tự (hashtag) được dùng nhiều nhất trên Weibo (trang mạng xã hội ở Trung Quốc tương tự Twitter) trong ngày 11-8, thu hút hơn 400 triệu lượt xem.
Dương Mịch, một trong những nữ diễn viên nổi tiếng tại Trung Quốc và là đại sứ nhãn hàng Versace tại quốc gia này, tuyên bố trên trang Weibo rằng cô sẽ chấm dứt hợp đồng với Versace vì “với tư cách là một công dân CHND Trung Hoa”, cô “cực kỳ tức giận” với thiết kế này.
“Sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc luôn luôn thiêng liêng và không thể xâm phạm” - nữ diễn viên Dương Mịch tuyên bố.
Nữ diễn viên Dương Mịch tuyên bố sẽ chấm dứt hợp đồng làm đại sứ cho Versace. Ảnh: ALAMY
Tuyên bố chấm dứt hợp đồng với Versace của nữ diễn viên Dương Mịch là một trong những chủ đề được quan tâm nhất trên Weibo trong ngày 11-8, thu hút tới hơn 640 triệu lượt xem.
Versace phải xin lỗi
Trước làn sóng giận dữ trên, ngày 11-8, nhãn hàng Versace và Giám đốc nghệ thuật của nhãn hàng này, bà Donatella Versace, đã lên tiếng xin lỗi.
Trên tài khoản Weibo của mình tại Trung Quốc, nhãn hàng Versace thừa nhận họ đã phạm sai lầm và từ ngày 24-7 hãng đã ngưng bán và cho hủy mẫu áo này.
“Versace nhắc lại rằng chúng tôi yêu mến Trung Quốc sâu sắc, tuyệt đối tôn trọng lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Trung Quốc” - nhãn hàng Versace tuyên bố.
Trên trang Instagram của mình, bà Versace cũng viết: “Tôi không bao giờ thiếu tôn trọng với chủ quyền quốc gia Trung Quốc, đó là lý do tại sao tôi muốn đích thân xin lỗi cho sự sai lệch này và cho bất kỳ sự tiêu cực nào mà nó có thể gây ra”.
Giám đốc nghệ thuật Donatella Versace của nhãn hàng thời trang Versace trên sàn diễn thời trang tại một buổi ra mắt sản phẩm nhãn hàng này ở New York (Mỹ) vào tháng 12-2018. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, lời xin lỗi của Versace không xoa dịu được dân mạng Trung Quốc. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Versace chỉ đăng lời xin lỗi trên Weibo mà không công khai đăng lên các trang mạng khác như Twitter và Facebook.
Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 11-8 có bài viết rằng toàn bộ vấn đề không thể được cho qua chỉ với lời xin lỗi vì sai lầm của Versace là nghiêm trọng. Hơn nữa sự cố này xảy ra trong thời điểm nhạy cảm khi chính phủ Trung Quốc đang phải đối phó với làn sóng biểu tình tại Hong Kong đòi độc lập cho lãnh thổ này. Nhân Dân Nhật Báo cho rằng một số công ty đa quốc gia đang cố tình thách thức chủ quyền Trung Quốc.
Nhãn hàng Versace đã được công ty thời trang Capri Holdings Ltd. của nhà thiết kế thời trang Mỹ Michael Kors mua lại hồi tháng 9 năm ngoái.
United Airlines vẫn né nói Hong Kong, Đài Loan thuộc Trung Quốc
Từ năm ngoái, Trung Quốc đã tăng cường kiểm tra xem các công ty nước ngoài xác định Hong Kong và Macau thế nào. Hai lãnh thổ này từng là các thuộc địa của châu Âu và hiện là các đặc khu thuộc Trung Quốc. Và Versace là nhãn hàng mới nhất ở Milan (Ý) bị vướng vào các vấn đề chính trị và văn hóa liên quan đến Trung Quốc.
Versace nói đã ngưng bán và hủy mẫu áo này. Ảnh: WEIBO
Năm ngoái, nhãn hàng thời trang Dolce & Gabbana của Ý cũng khiến Trung Quốc nổi giận quanh một đoạn video quay cảnh một người mẫu Trung Quốc vất vả sử dụng đũa ăn.
Lời kêu gọi tẩy chay nhãn hàng này càng căng thẳng ở Trung Quốc sau khi một trong những nhà sáng lập nhãn hàng này có lời chê bai Trung Quốc và lời chê bai này bị rò rỉ trên mạng xã hội.
Tháng 5 năm ngoái, nhãn hàng Gap của Mỹ phải xin lỗi vì bán áo thun có in một bản đồ Trung Quốc không bao gồm Đài Loan.
Năm ngoái, chuỗi khách sạn Marriott cũng đối mặt với làn sóng giận dữ từ Trung Quốc khi liệt Tây Tạng, Hong Kong, Macau và Đài Loan là các lãnh thổ riêng biệt. Chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa trang web của Marriott ở nước này. Chuỗi khách sạn này buộc phải sửa lại danh sách khách sạn mình ở Đài Loan thành “Đài Loan, Trung Quốc”. Tuy nhiên với hành động này, Marriott lại bị phía Đài Loan phàn nàn.
Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu hàng chục hãng hàng không quốc tế thay đổi thông tin trên trang web nhằm đảm bảo xác định Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Hầu hết các hãng đều làm theo yêu cầu này nhưng riêng hãng United Airlines của Mỹ thì làm theo bằng cách riêng của mình: Nêu tên các điểm đến thể theo đồng tiền địa phương điểm đến đó, một bước đi nhằm phân biệt Đài Loan và Hong Kong khỏi Trung Quốc đại lục.