Trung Quốc ngày 10-8 lên tiếng về chuyện Ngoại trưởng Anh Dominic Raad gọi điện cho Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày trước đó, theo báo SCMP.
Trong tuyên bố ngày 10-8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói việc ông Raad gọi điện cho bà Lâm là “một sai lầm”. Trung Quốc cho rằng phía Anh có hành động này nhằm “cố gây áp lực lên bà ấy”, đồng thời kêu gọi Anh chấm dứt “can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc”.
“Ngày nay Hong Kong là một đặc khu hành chính của CHND Trung Hoa, nó đã không còn là một thuộc địa của Anh một thời gian” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tuyên bố ngày 10-8. Theo bà Hoa, Anh không có chủ quyền và không có quyền cai trị hay giám sát Hong Kong.
Bà Hoa nói rõ Trung Quốc chính thức yêu cầu Anh chấm dứt can thiệp vào chuyện nội bộ ở Hong Kong và Trung Quốc, chấm dứt có những bình luận về chuyện này và kích động rắc rối.
Văn phòng Trưởng đặc khu Hong Kong cho biết bà Lâm nói chuyện qua điện thoại hơn 20 phút với ông Raad trong buổi sáng 9-8 theo yêu cầu của lãnh sự Anh tại Hong Kong. Đây là cuộc gọi đầu tiên của ông Raad với bà Lâm kể từ khi ông nhậm chức cuối tháng 7 vừa rồi.
Bà Lâm nói với ông Raad rằng chính quyền Hong Kong tôn trọng các quan điểm khác nhau của người dân về nhiều vấn đề như tự do diễn thuyết và tự do tụ họp, tuy nhiên Hong Kong sẽ không để bạo lực và các hành xử trái pháp luật phá vỡ trật tự công cộng.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raad. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Anh Raad kêu gọi tôn trọng quyền biểu tình hòa bình của số đông. Ông Raad nói với bà Lâm rằng không nên để các sự cố bạo lực hủy hoại quyền biểu tình hòa bình. Vài ngày trước đó, bà Lâm đã đánh giá lại cuộc biểu tình chống chính quyền ở Hong Kong là một sự đe dọa với chủ quyền của Trung Quốc.
“Ngoại trưởng lên án các hành động bạo lực của tất cả các bên nhưng nhấn mạnh quyền biểu tình hòa bình, ông nhấn mạnh hàng trăm ngàn người ở Hong Kong đã chọn lựa cách này để thể hiện quan điểm của mình” - SCMP dẫn tuyên bố của Văn phòng Bộ Ngoại giao Anh cho biết.
“Ông ấy nhấn mạnh rằng không nên để bạo lực che mờ các hoạt động hợp pháp của số đông” - Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố.
Văn phòng Trưởng đặc khu Hong Kong cho biết trong cuộc điện đàm, bà Lâm đã nhấn mạnh rằng chính sách “một đất nước hai chế độ” đã được thực hiện thành công ở Hong Kong kể từ khi thành phố này được Anh chuyển giao về Trung Quốc năm 1997, và quy định luật pháp là một giá trị cốt lõi của thành phố.
Tuần rồi bà Lâm có sự đánh giá lại cuộc biểu tình tại Hong Kong, cho rằng đó là một sự đe dọa với chủ quyền của Trung Quốc. Ảnh: AFP
Văn phòng Trưởng đặc khu Hong Kong cho biết thêm: Bà Lâm có trình bày với ông Raad về bối cảnh dẫn tới hình thành dự luật dẫn độ, dẫn tới biểu tình và bạo động ở Hong Kong kể từ đầu tháng 6. Bà Lâm cũng nhấn mạnh hiện dự luật này đã “bị ngưng hoàn toàn”.
Ông Raad đề nghị bà Lâm mở cuộc điều tra độc lập và toàn diện các sự việc cảnh sát sử dụng bạo lực đối với người biểu tình gần đây.
Trước khi lên tiếng phản đối việc Ngoại trưởng Anh Raad gọi điện cho bà Lâm, Trung Quốc từng phản đối một cuộc gặp của nhân viên ngoại giao Mỹ với các sinh viên mà Trung Quốc cho là “ủng hộ Hong Kong độc lập”.
Ngày 8-8, báo Ta Kung Pao (thân Trung Quốc) đưa hình ảnh nhà ngoại giao Mỹ Julie Eadeh ở Hong Kong gặp một số sinh viên hoạt động xã hội ở Hong Kong.
Văn phòng ủy quyền của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Hong Kong đã gửi công hàm phản đối lên lãnh sự Mỹ về cuộc gặp này. Trong khi đó, truyền thông đại lục cho cuộc gặp là bằng chứng cho thấy phía sau cuộc biểu tình và bạo lực ở Hong Kong có các lực lượng nước ngoài.