Vì sao bà Haspel vào được ghế giám đốc CIA?

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chính thức có nữ giám đốc đầu tiên sau khi Thượng viện thông qua đề cử bà Gina Haspel với tỷ lệ 54 phiếu thuận/45 phiếu chống. Bà Haspel còn là người thứ hai đi lên vị trí cao nhất này từ hàng ngũ nhân viên kỳ cựu của CIA, kể từ sau hai ông Richard Helms và William Colby thập niên 1970.

Theo CNN, chính thái độ cứng rắn với khủng bố đã đưa bà Haspel lên vị trí giám đốc CIA. Bà Haspel tham gia CIA từ năm 1985 không lâu sau khi tốt nghiệp đại học, là người cứng rắn nhưng điềm tĩnh, có kỹ năng tuyệt vời trong tuyển mộ điệp viên cho các địa phương, từng kinh qua 20 vị trí trong CIA trong đó có 7 vị trí phải làm việc ở nước ngoài.

Suốt 33 năm tham gia CIA, có thể thấy toàn bộ sự nghiệp bà Haspel được xây từ cuộc chiến chống khủng bố. Khi đề cử bà Haspel vào vị trí giám đốc CIA, Tổng thống Donald Trump cũng hoan nghênh thái độ cứng rắn của bà với khủng bố.

Nữ Giám đốc CIA Gina Haspel là người rất tâm huyết chống khủng bố. Ảnh: GETTY IMAGES

Trong một cuộc tranh luận với các đồng nghiệp cấp cao tại bộ phận CIA phụ trách Nga gần một thập niên trước khi Mỹ bị khủng bố 11-9-2001, bà Haspel khẳng định bà tin khủng bố mới là mối đe dọa nguy hiểm nhất với Mỹ, chứ không phải Nga.

“Có một thứ gọi là khủng bố, và nhóm này được gọi là Al-Qaeda. Chúng ta cần chú ý, chúng ta cầm tìm hiểu về điều này sớm” – bà Haspel nói trong phiên tranh luận này.

Theo hồ sơ CIA, trong thời gian làm việc ở nước ngoài – thập niên 1900, bà Haspel giúp CIA bắt được 2 tên khủng bố và phá được một cơ sở khủng bố ở Azerbaijan.

Năm 2001 bà Haspel quay về Mỹ và chuẩn bị vào làm ở Trung tâm Chống khủng bố (CTC) thuộc CIA, và biết Al-Qaeda đe dọa tấn công Mỹ. Chỉ vài ngày sau, vụ khủng bố 2 tòa tháp đôi Mỹ xảy ra, bà Haspel ngay lập tức nhận vị trí phó giám đốc CTC. Năm 2002, bà Haspel qua Thái Lan quản lý một trong những nhà tù bí mật đầu tiên của CIA.

Có thể nói bà Haspel tạo được thành tích và thăng tiến tại CIA nhờ vào nỗ lực chống khủng bố không mệt mỏi. Tuy nhiên điều bà Haspel không ngờ là chính vì 2 trong số hàng loạt hoạt động liên quan chống khủng bố này đã làm khó bà ở bước thăng tiến quan trọng nhất, lên chức giám đốc CIA.

Trong thời gian điều trần chờ được xác nhận đề cử, bà Haspel hứng chỉ trích về hai việc cụ thể bà đã làm trước đây: thực hiện chương trình thẩm vấn tra tấn và ủng hộ tiêu hủy chứng cứ các cuộc thẩm vấn này. Chương trình thẩm vấn tra tấn này bắt đầu từ thời Tổng thống George W. Bush sau vụ khủng bố 11-9-2001.

Bà Haspel trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ ngày 9-5, trước đó từng muốn rút khỏi đề cử vì áp lực chỉ trích quá lớn. Ảnh: PITTSBURGH POST-GAZETTE

Thời gian quản lý nhà tù ở Thái Lan, bà Haspel cho phép các nhân viên nhà tù đã sử dụng biện pháp trấn nước cũng như một số biện pháp hà khắc khác trong thẩm vấn để moi thông tin từ các nghi can Al-Qeada. Năm 2005, thời gian làm việc tại một trụ sở CIA bên ngoài thủ đô Washington, bà Haspel đã viết một bức điện đề nghị tiêu hủy các đoạn video ghi lại cảnh thẩm vấn trấn nước.

Tại phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện ngày 9-5, bà Haspel không phủ nhận, thừa nhận CIA không nên thực hiện chương trình thẩm vấn tra tấn này, rằng nó ảnh hưởng uy tín Mỹ trên thế giới. Bà Haspel cũng cho biết sẽ không mở bất kỳ trung tâm giam giữ nào hay thực hiện bất kỳ chương trình thẩm vấn tra tấn nào với tư cách giám đốc CIA, dù Tổng thống Donald Trump có chỉ đạo. Tuy thế bà Haspel từ chối nói chương trình này là trái đạo đức và không hiệu quả.

Bà Haspel được các nghị sĩ Dân chủ ủng hộ vì tin bà đủ cứng rắn đối đầu với Tổng thống Trump. Ảnh: NBC NEWS

Thái độ chừng mực nhưng cứng rắn của bà Haspel đã xoay chuyển được các thành viên Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện - trong đó có hai nghị sĩ Mark Warner và Heidi Heitkamp, từ phản đối sang chấp nhận bà Haspel làm giám đốc CIA. Nghị sĩ Warner cho biết ông đồng ý vì nhìn thấy khả năng chịu áp lực của bà Haspel: “Tôi tin bà ấy là người có thể kháng cự tổng thống”.

Nhiều nhà báo có mặt tại phiên điều trần của bà Haspel ngày 9-5 nói với CNN rằng họ đồng tình với suy nghĩ của ông Warner. Theo họ, thái độ và lời lẽ của bà Haspel tại phiên điều trần dù cẩn trọng và dung hòa nhưng cũng cho thấy sự cứng rắn và không dễ phục tùng. Thái độ này rất cần thiết trong làm việc với ông Trump, rằng ông Trump sẽ không dễ gây áp lực buộc bà Haspel làm theo ý mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới