Liên quan đến vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục có cuộc trao đổi với Trung tướng Trần Đình Nhã (ảnh), nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội.
Nguyên nhân bên trong và bên ngoài
. Phóng viên: Bộ Công an vốn trước chỉ có cấp cục thì vì sao sau này lại trở nên nhiều tổng cục như vậy, thưa ông?
Trung tướng Trần Đình Nhã
+ Trung tướng Trần Đình Nhã: Có nhiều yếu tố trong, ngoài và cả thực tiễn nữa. Thời chiến có thể công việc chưa nhiều nhưng như Bác Hồ nhắc nhở là sang thời bình, vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an sẽ nhiều hơn, nặng nề hơn.
Thực tế chứng minh nhận định đấy của Bác là đúng: Kinh tế-xã hội phát triển, quan hệ quốc tế rộng mở, thông thương trong ngoài ngày càng thuận lợi thì kèm theo cũng là các rủi ro về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nhiều lĩnh vực kinh tế mới cũng xuất hiện, như tài chính ngân hàng, kinh doanh vốn, công nghệ thông tin, rồi mạng xã hội, giao dịch xuyên biên giới trên Internet… Đây là yếu tố khách quan nhất dẫn tới công an cần có tổ chức, có lực lượng đủ để đảm đương công việc.
Về mô hình tổ chức, Chính phủ một thời gian dài có rất nhiều bộ và tổng cục. Sau đổi mới, quan điểm bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực thắng thế. Tuy nhiên, có phần nào đó thiếu triệt để, thỏa hiệp nên các bộ bị nhập vào thì cho trở thành tổng cục. Bộ Công an thì cũng cho là mình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, củng cố thêm cơ sở để lập thêm tổng cục cho tương xứng.
Một yếu tố bên ngoài là ảnh hưởng mô hình của Nga. Họ có nhiều bộ và cũng nhiều tổng cục. Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương ngày đó từng than là sang đó phải làm việc với mấy bộ trưởng liền, nào là Bộ Tình trạng khẩn cấp, nào Cơ quan An ninh liên bang, rồi Bộ Nội vụ…
Về nội tại, năng lực quản lý, vận hành với một tổ chức lớn như Bộ Công an cũng đặt ra nhiều thách thức. An ninh, trật tự thì bao la, rộng lớn như thế, bao nhiêu là cục nghiệp vụ, làm thế nào để lãnh đạo Bộ quán xuyến? Vậy là thấy cần có cấp tổng cục làm đầu mối, vừa chỉ đạo xuống dưới vừa tham mưu cho trên.
. Nếu mô hình tổng cục có mặt hợp lý của nó như thế thì tại sao phải xóa đi sau mấy chục năm tồn tại?
+ Hồi mới ra đời Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh thì dưới cấp tỉnh cũng lập hai ban an ninh, cảnh sát. Công an tỉnh là lực lượng chiến đấu, trực tiếp với địa bàn, cơ sở, sau một thời gian ngắn tồn tại hai ban này thì thấy vướng víu, giảm hiệu lực quản lý. Vậy là Chính phủ điều chỉnh, bỏ cấp ban.
Nhưng tỉnh bỏ ban thì lý do gì mà Bộ lại duy trì các tổng cục lớn vậy? Thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm, có những chuyên án bộ trưởng, thứ trưởng chỉ đạo trực tiếp, chẳng nhẽ giám đốc công an địa phương báo cáo lên lại phải qua tổng cục nọ kia?
…Những thắc mắc như thế âm ỉ lâu nay, mà tôi khi được Bộ Công an biệt phái sang tham gia Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, mỗi khi bàn đến làm, sửa các luật liên quan đến ngành Công an đều rất khó trả lời…
. Như vậy nguyên nhân tổng quát đi đến cuộc cải cách lịch sử này là gì, thưa ông?
+ Rõ ràng, môi trường chính trị ổn định, xã hội yên bình thế này có phần đóng góp rất lớn của lực lượng Công an nhân dân.
Nhưng dù tốt như thế thì vẫn còn nhiều câu hỏi: Có thể tinh gọn hơn, chi phí thấp hơn, mà hoạt động bằng hoặc tốt hơn không? Trong công tác có chỗ nào trùng lặp, chồng chéo không? Trong lực lượng có chỗ thừa, chỗ thiếu không? Về mặt tổ chức còn chỗ nào chưa hợp lý không? Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có khâu nào làm giảm hiệu quả quản lý, hạn chế sức chiến đấu, ảnh hưởng sức mạnh tổng hợp của đơn vị, của ngành không?...
Câu trả lời là có!
Theo đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an, mô hình sở cảnh sát PCCC từng được kỳ vọng giờ sẽ trở lại cấp phòng thuộc công an cấp tỉnh như xưa. Ảnh: HTD
Bỏ tầng nấc trung gian khắc phục hạn chế
. Cuối cùng thì Bộ Chính trị cũng đã quyết định đổi mới, sắp xếp lực lượng công an thực sự tinh gọn. Vậy theo ông, mặt ưu việt dễ nhận thấy nhất ở mô hình mới là gì?
+ Các nhà tư tưởng, luật học có một câu rất hay: Công lý chậm trễ là công lý bất công. Công an là lực lượng bảo vệ công lý, mà đối tượng cần bắt thì không bắt ngay, người phải thả lại không thả ngay, cứ xin ý kiến cấp này, cấp kia thì dù sau đó có bắt, có thả, công lý cũng không còn nguyên giá trị nữa. Vậy thì bỏ tầng nấc trung gian sẽ khắc phục được hạn chế này.
Ở cấp bộ, hiệu quả dễ thấy nhất là trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Công an được làm rõ. Rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm thì sẽ khắc phục được hiện tượng thứ trưởng không lãnh đạo, chỉ đạo được tổng cục trưởng thuộc lĩnh vực mình phụ trách, rồi cấp tổng cục không có uy với cấp cục. Bộ sẽ phải xây dựng quy chế, quy định mới rành mạch, rõ ràng hơn, quyền lớn hơn mà trách nhiệm cũng lớn hơn.
Lâu nay các tỉnh hay thắc mắc là nhiều khi án không lớn mà Bộ vẫn rút lên làm. Nay tinh gọn trên Bộ thì sẽ có lực lượng để tăng cường xuống địa bàn, xuống cơ sở để việc xảy ra ở đâu là xử lý được ngay ở đó. Tái bố trí lực lượng như thế sẽ giúp công an nhân dân gần dân hơn, qua đó hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa tội phạm cũng sẽ tốt hơn.
. Thách thức trong lần cải cách này thế nào?
+ Thách thức lớn nhất là năng lực của chính các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí trên Bộ. Giờ phải lựa chọn trong số các đồng chí tổng cục trưởng, tổng cục phó, cục trưởng, cục phó ấy những người giỏi nhất, thành thạo nhất. Làm sao người phụ trách về điều tra thì phải giỏi nhất về điều tra, phụ trách cảnh sát phải giỏi nhất về cảnh sát, phụ trách về an ninh, hậu cần… thì giỏi nhất về an ninh, hậu cần.
Còn dưới địa phương, tôi tìm hiểu thì về cơ bản rất ủng hộ mô hình này. Nhưng họ cũng phải sắp xếp, gom lại các phòng nghiệp vụ mới tách ra từ mấy năm trước.
Tôi đánh giá cao các lãnh đạo Bộ Công an đã tham mưu để Bộ Chính trị có một quyết định có thể nói là lịch sử với ngành. Dũng cảm lắm mới tham mưu được như vậy, quyết định triệt để như vậy.
. Xin cám ơn ông.
Đảng ủy cơ quan trung ương Bộ Công an đã rất trách nhiệm Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết ngày 2-4, Chính phủ đã cho ý kiến về Luật Công an nhân dân (sửa đổi). “Đảng ủy cơ quan trung ương Bộ Công an rất trách nhiệm, với hướng đổi mới đã xây dựng phương án cải cách tổ chức bộ máy, trong đó xem xét cả việc giảm tổng cục, chuyển sở PCCC về công an cấp tỉnh... Sau này bàn cụ thể, chúng tôi sẽ trả lời” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. |