Vì sao HĐXX không tổng hợp án tử hình của bà Trương Mỹ Lan vào trong vụ án thứ 2?

(PLO)- Bạn đọc thắc mắc vì sao khi tuyên án sơ thẩm đối với bà Trương Mỹ Lan trong vụ án thứ hai, HĐXX không tổng hợp hình phạt với bản án trước đó như thường thấy ở các phiên xử khác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã đưa tin, ngày 17-10, TAND TP.HCM tuyên án đối 34 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan.

Đây là vụ án thứ 2 mà bà Trương Mỹ Lan được đưa ra xét xử.

Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 8 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và 12 năm tù về tội rửa tiền. Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo chấp hành chung hình phạt cho cả ba tội là tù chung thân.

33 bị cáo còn lại trong giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại tập đoàn VTP nhận mức án từ 2-23 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi hoàn cho 35.824 bị hại với tổng số tiền hơn 30.000 tỉ đồng.

trương mỹ Lan
Bản án đầu tiên bà Lan nhận mức án tử hình nhưng đã kháng cáo chờ xét xử phúc thẩm, bản án thứ 2 bà Lan nhận mức án chung thân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trước đó, ngày 11-4, TAND TP.HCM đã ban hành bản án 157/2024/HS-ST và tuyên phạt bị bà Trương Mỹ Lan 20 năm về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Ngoài ra, trong bản án này bà Lan còn bị tuyên buộc phải bồi thường cho Ngân hàng SCB hơn 677.000 tỉ đồng.

Hiện bản án sơ thẩm số 157/2024/HS-ST đã bị kháng cáo và TAND Cấp cao tại TP.HCM đang chuẩn bị xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Vấn đề được nhiều bạn đọc đặt ra là: vì sao khi tuyên án vụ án thứ hai vào hôm qua (17-10), HĐXX không tổng hợp hình phạt tử hình của bà Trương Mỹ Lan trong vụ án đầu tiên để quyết định hình phạt chung của cả hai bản án?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, luật sư Lê Nguyễn Thế Hưng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án được quy định tại Điều 56 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và tại Công văn số 02/TANDTC-PC năm 2021 của TAND Tối cao về giải đáp một số vướng mắc trong xét xử.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 56 BLHS quy định một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.

Trong trường hợp của bà Trương Mỹ Lan, vụ án thứ hai mà bà Lan bị đưa ra xét xử là về tội phạm được thực hiện trước khi có bản án thứ nhất (bản án 157/2024/HS-ST).

Tuy nhiên, theo quy định thì Toà án chỉ được phép tổng hợp hình phạt khi bản án đã tuyên có hiệu lực pháp luật (người bị tuyên án đang chấp hành một bản án khác). Trong khi đó, hiện bản án 157/2024/HS-ST đã bị kháng cáo và chuẩn bị xét xử phúc thẩm nên trong tại thời điểm tuyên án vụ án thứ hai của bà Trương Mỹ Lan HĐXX đã không tiến hành tổng hợp bản án là đúng quy định của BLHS.

Tương tự, theo quy định tại điểm 3, mục II Công văn số 02/TANDTC-PC thì trong trường hợp này toà án cũng không tổng hợp được hình phạt của cả hai bản án vì không đáp ứng được điều kiện các bản án đều phải có hiệu lực pháp luật.

Do vậy, để tổng hợp được hình phạt cuối cùng của bà Trương Mỹ Lan thì cần phải chờ bản án của cả hai giai đoạn có hiệu lực pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm