Trên sân khấu địa chính trị quốc tế, những cuộc khủng hoảng ngoại giao cấp khu vực mở ra cơ hội lớn để các cường quốc can thiệp, lôi kéo đồng minh và gia tăng sức ảnh hưởng.
Sự kiện ngày 5-6 khi một loạt nước Ả Rập và vùng Vịnh tuyên bố cắt hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Qatar, cô lập quốc gia này cả đường không, đường bộ và đường biển là một biến cố có tác động lớn đến cục diện khu vực. Thế nhưng thay vì can thiệp tăng sự chia rẽ, các cường quốc như Mỹ, Nga và Trung Quốc (TQ) đều đang nỗ lực kêu gọi giảm căng thẳng giữa Qatar và phần còn lại của vùng Vịnh.
Đe dọa “đầu não” quân sự Mỹ
Đất nước chỉ có hơn 300.000 công dân và diện tích vỏn vẹn 11.500 km2 (đứng ở hạng 161/193 thành viên Liên Hiệp Quốc cộng với Vatican) đang nắm giữ vị thế chiến lược quá lớn trong chính sách của các cường quốc. Viễn cảnh cuộc khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát với họ đều là “lợi bất cập hại”.
Nước có nguy cơ bị mất nhiều nhất nếu cuộc khủng hoảng Qatar leo thang thành xung đột chính là Mỹ. Dù Washington đang có căn cứ quân sự tại một số nước khác tại vùng Vịnh, Qatar vẫn giữ vị thế “đầu não” các hoạt động quân sự của Lầu Năm Góc tại khu vực. Theo Peter Brookes, chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc gia của Quỹ Heritage (Mỹ), hiện đang có gần 10.000 quân và một căn cứ không quân chủ lực của Mỹ đóng tại sân bay al-Udeid của Qatar. Không chỉ là cơ sở trọng điểm tổ chức các nhiệm vụ không kích hỗ trợ chiến dịch của Mỹ tại ba nước Syria, Iraq, Afghanistan, sân bay al-Udeid còn là nhà của bộ chỉ huy tiền đồn ở Trung Đông của Bộ chỉ huy Trung tâm quân đội Mỹ (CENTCOM) - vốn có đại bản doanh nằm ở tận Tampa, Florida.
“Thật sự, điều cuối cùng Mỹ muốn thấy tại Trung Đông là sự chia rẽ giữa các đồng minh và đối tác tiềm năng, trong bối cảnh chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ngày một hung hăng, những cuộc đổ máu đang diễn ra tại Syria và sự gia tăng quyền lực của Iran. Washington cũng không muốn đe dọa các căn cứ quân sự then chốt của mình ở Qatar - nơi chứa các cơ sở quân sự lớn nhất khu vực của mình kể từ khi Tổng thống Obama quyết định rút quân khỏi Iraq vào năm 2011” - ông Peter Brookes nhận định.
Pháo đài bay B-52 của Mỹ đáp xuống sân bay al-Udeid (Qatar) vào tháng 4-2016, tham gia hỗ trợ chiến dịch tại Syria. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ
Qatar có diện tích chỉ đứng hạng 161/193 thành viên Liên Hiệp Quốc cộng với Vatican nhưng có vị thế rất lớn trong chính sách của các cường quốc. Ảnh: VOX
Dư chấn lan đến Moscow
Ông M axim A. Suchkov, Phó Giám đốc nghiên cứu Trường Quan hệ Quốc tế ĐH Pyatigorsk (Nga), cho biết các chuyên gia Nga đã không lường trước được “những tranh giành quyền lãnh đạo Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) có thể ảnh hưởng các chính sách của Moscow nhiều như vậy” khi cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar nổ ra. Giờ đây trước nguy cơ căng thẳng lan ra toàn bộ Trung Đông, Moscow đang bắt đầu tỏ ra cẩn trọng hơn với các diễn biến trong khu vực. Khi Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed đến Moscow tìm kiếm sự hỗ trợ ngày 10-6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ lo ngại: “Chúng tôi không thể vui vẻ trong khi quan hệ giữa các nước đối tác đang tồi tệ. Chúng tôi ủng hộ giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại”.
Ông Lavrov cũng khẳng định Nga “sẵn sàng làm mọi thứ có thể” để giúp giải quyết khủng hoảng.
Viết trên trang al-Monitor, ông Suchkov đánh giá Nga xem Qatar và Saudi Arabia là hai “nhân vật chính” trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Từ lâu cả hai nước đều bị Nga xem là các quốc gia “tài trợ khủng bố”. Tình báo Nga từng phát hiện những phần tử cực đoan tại Chechnya trong các xung đột đầu thập niên 2000 đã nhận sự hỗ trợ tài chính và tư tưởng bởi hai nước này. Tuy nhiên, từ khi những lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây xoay quanh vấn đề Ukraine có hiệu lực, Moscow đã tìm cách xây dựng quan
hệ tốt hơn với cả hai chính phủ Doha và Riyadh. Tháng 12-2016, Cơ quan đầu tư Qatar cùng Tập đoàn Glencore đã rót vào gã khổng lồ dầu khí Nga Rosneft đến 11,5 tỉ USD. Ông Suchkov cho biết đây là động thái hợp tác dài hạn. Theo một nhà ngoại giao cấp cao của Nga tiết lộ với al-Monitor, quan hệ Nga-Qatar dưới thời quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani đang được cải thiện. Điều này đặc biệt quan trọng với Nga vì các nước vùng Vịnh nổi tiếng “thân Mỹ”.
Nga lại càng không muốn chọn phe giữa hai “nhân vật chính”. Ngày 7-6, cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin là Yuri Ushakov bác bỏ các nhận định Nga muốn “đi đêm” trong cuộc khủng hoảng. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cùng ngày khẳng định Nga-Saudi Arabia “có khả năng đầu tư hàng tỉ USD vào các dự án dầu mỏ chung”, theo hãng Itar Tass. Ở cục diện lớn hơn, Moscow cũng không muốn các nhóm phiến quân do Doha chống lưng tạo ra thêm bất ổn ở Syria, nơi Nga đang hiện diện quân sự, ông Suchkov nhận định.
Phá bĩnh tham vọng Trung Quốc
Việc Qatar bị chín nước cắt quan hệ ngoại giao cũng khiến các lợi ích kinh tế-chính trị của TQ ở Trung Đông có nguy cơ bị đe dọa. Theo GS Wang Yiwei, ĐH Nhân dân TQ, những bất ổn ngày càng tăng cao trong khu vực có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hợp tác kinh tế giữa TQ và các quốc gia vùng Vịnh. “Xung đột ở vùng Vịnh gây khó cho đầu tư của TQ vào khu vực. Ảnh hưởng lớn trước mắt là kế hoạch xây dựng khu thương mại tự do với các nước GCC có thể bị trì hoãn” - ông Wang Yiwei nhận định.
Việc các bên không chịu nhìn mặt nhau trên bàn đàm phán sẽ cản trở tiến trình xây dựng các khu thương mại tự do với GCC, một phần quan trọng của dự án “Một vành đai, một con đường” (OBOR) đầy tham vọng của TQ. Đặc biệt khi cả Saudi Arabia và Qatar vừa là các nút thắt quan trọng của dự án, vừa là những nguồn cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên hàng đầu của đại lục TQ. Tháng 5 vừa qua, tại Diễn đàn hợp tác TQ - Ả Rập ở Doha, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị đã chính thức đề nghị Qatar tham gia hiện thực hóa sáng kiến “con đường tơ lụa mới” của TQ, gọi nước này là đối tác then chốt thúc đẩy dự án OBOR. Những nỗ lực chèo kéo Doha với nguồn ngoại tệ khổng lồ tham gia cuộc chơi lớn đã được Bắc Kinh phát động từ năm 2016 đến nay, theo tờ National Interest.
Không chỉ đe dọa chiến lược khu vực của Bắc Kinh, khủng hoảng vùng Vịnh còn đe dọa trực tiếp đến quan hệ kinh tế song phương Qatar-TQ. Theo hé lộ của tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), TQ đang có một loạt thỏa thuận xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở Qatar trị giá 8 tỉ USD từ năm 2014. Tổng Công ty Xây dựng đường sắt TQ cũng đang thầu xây dựng một sân vận động cho sự kiện World Cup 2022 tại Doha. Thương mại Qatar-TQ năm 2013 đã lên đến 11,5 tỉ USD. Theo số liệu thống kê từ Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), TQ đang chiếm 11,9% tổng kim ngạch thương mại của Qatar trong năm 2015, giữ vị trí đối tác thương mại hàng đầu của Qatar.
Chính vì những ràng buộc sâu sắc về lợi ích an ninh và kinh tế với Qatar, các cường quốc có khả năng can thiệp như Mỹ, Nga và TQ đã buộc phải chọn đứng cùng một “chiến tuyến” khi có quá nhiều điều để mất nếu “quả bom nổ chậm”khủng hoảng Qatar phát nổ.
Cơ quan quản lý cảng biển Qatar ngày 12-6 công bố thông tin một tàu chở hàng từ cảng Sohar, Oman đã về đến cảng Hamad ở thủ đô Doha, theo AP. Động thái này cho thấy Qatar hoàn toàn có thể tồn tại dù bị các nước Ả Rập và vùng Vịnh cô lập. Qatar cũng thông báo hàng hóa của Doha giờ sẽ đi qua cảng Sohar và Salalah của Oman, không cần dừng lại tại các quốc gia đã cắt quan hệ. Tuyên bố này được đưa ra sau khi có thông tin Iran ngày 11-6 đã điều hai tàu chiến đến Oman, sau đó tiến hành tuần tra ở phía Bắc Ấn Độ Dương và vùng Vịnh Aden. Còn theo đài CNN ngày 12-6, Iran dự kiến điều thêm máy bay chở 100 tấn trái cây tươi sạch và các loại hạt, đậu mỗi ngày tới Qatar. “Đến nay có năm máy bay chở những thực phẩm như rau, củ quả đã tới Qatar. Mỗi chiếc chở khoảng 90 tấn hàng hóa” – phát ngôn viên không quân Iran Shahrokh Noushabadi cho biết. |